06:11, 17/11/2014

Nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại nơi làm việc là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

 

Để có mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Để có mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.


Còn mang tính hình thức


Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều DN chưa nghiêm túc thực hiện hoặc còn lúng túng khi triển khai QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 197/345 DN có tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện hội nghị người lao động (NLĐ), đối thoại định kỳ; năm 2014 chỉ có 159/344 DN tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ.


Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trên thực tế, còn nhiều đơn vị tiến hành hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ không đảm bảo tiến độ thời gian theo quy định; nội dung hội nghị chuẩn bị sơ sài, chưa bám sát các quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tế nên hiệu quả còn thấp; chất lượng hội nghị NLĐ chưa cao, còn mang tính hình thức, đối phó. Ngoài ra, có đơn vị còn xem việc triển khai QCDC là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Các bản thỏa ước lao động tập thể chủ yếu sao chép lại nội dung Bộ luật Lao động. Việc thương lượng để ký kết thỏa ước lao động tập thể còn sơ sài, không chất lượng, không lấy ý kiến của tập thể NLĐ. Bên cạnh đó, ở nhiều DN, việc tham gia quản lý chưa thể hiện rõ vai trò của công đoàn, chưa tập trung được trí tuệ của NLĐ nên hiệu quả chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chưa được phát huy, việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa vi phạm về quyền lợi NLĐ còn hạn chế. Bản thân tổ chức công đoàn chưa phát huy tốt vai trò trong việc tham gia xây dựng các biện pháp, hình thức để thực hiện QCDC như: tham gia góp ý quy chế sản xuất kinh doanh, quy chế khen thưởng, góp ý xây dựng đảng viên...


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm đến việc thực hiện QCDC cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, DN, nhất là Nghị định 60/2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần đưa việc quản lý thực hiện QCDC vào chỉ tiêu thi đua hàng năm; định kỳ ra thông báo các kết quả thực hiện, nêu danh sách các đơn vị không thực hiện. Những DN cố tình không thực hiện phải bị xử phạt nghiêm...


Tạo niềm tin cho người lao động


Bên cạnh những DN chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, có một số DN được xem là điểm sáng về xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Ở Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo đơn vị với công đoàn và NLĐ được thực hiện định kỳ, nghiêm túc. Qua đó, công nhân có điều kiện bày tỏ thắc mắc về lương, thưởng, chế độ, tăng ca... Ngược lại, lãnh đạo Công ty cũng đưa ra những yêu cầu, mục tiêu cần công nhân đáp ứng, sao cho bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NLĐ và DN.


Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn của Công ty cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận đơn thư, ý kiến, bức xúc của công nhân. Sau đó, xử lý thông tin về thắc mắc, khiếu nại, bảo đảm trả lời đúng thời gian và có đánh giá mức độ hài lòng của công nhân. Ông Huỳnh Bá - Chủ tịch Công đoàn Công ty đánh giá, việc tổ chức các buổi nói chuyện định kỳ không những giúp công nhân nắm được quyền, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình, mà còn giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong DN. Nhờ đó, thời gian qua, Công ty luôn phát triển bền vững, NLĐ có thu nhập ổn định.


Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) cũng là đơn vị thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Hàng năm, Công đoàn HVS đều phối hợp với lãnh đạo Công ty tổ chức hội nghị NLĐ để công nhân đóng góp ý kiến, kiến nghị chính đáng trong việc giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan đến phúc lợi. Cụ thể, công nhân tham gia ý kiến về các vấn đề lớn như: tăng lương hàng năm, mức lương nghỉ chờ việc của từng người, quà Tết... Hầu hết các kiến nghị của công nhân đều được lãnh đạo Công ty tiếp thu và chấp nhận.


Ngoài ra, HVS còn chú trọng duy trì và nâng cao phúc lợi cho công nhân như: Nâng giá trị bữa ăn trưa lên 15.000 đồng/ngày, có 1 bữa ăn đặc biệt trong tuần hoặc vào những ngày lễ đặt tên tàu, bữa ăn nhẹ khi làm thêm giờ, tiệc cho gia đình công nhân khi đến thăm Công ty... HVS cũng quan tâm sửa đổi nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. “Nhờ thực hiện tốt QCDC, các chính sách và quan tâm đến đời sống NLĐ nên đã tạo được niềm tin, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN. Từ đó, hơn 3.000 công nhân luôn an tâm gắn bó làm việc, cống hiến, góp phần đưa Công ty phát triển ổn định”, ông Cao Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc HVS chia sẻ.


Theo ông Nguyễn Hòa, những cách làm này cần được nhân rộng để việc thực hiện QCDC ở các DN đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong các loại hình DN. Khi có tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thì việc thực hiện QCDC sẽ được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Mặt khác, Công đoàn cơ sở cần phải khéo léo trong việc vận động, giải thích cho người sử dụng lao động hiểu và tổ chức tốt các hội nghị NLĐ...


PHÚ VINH