Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác phát triển nguồn nhân lực ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện còn thấp, lao động có trình độ cao còn hạn chế.
Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác phát triển nguồn nhân lực ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện còn thấp, lao động có trình độ cao còn hạn chế.
Cán bộ y tế tại Bệnh viện huyện Khánh Vĩnh. |
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Y tế, huyện Khánh Vĩnh liên tục đưa cán bộ y tế đi đào tạo nâng cao tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, sau đại học trong cả nước. Theo bác sĩ Lê Phán - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh, đến nay, về cơ bản, nhân lực ngành Y đảm bảo số lượng theo định biên, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại các tuyến. Về chất lượng, bác sĩ có trình độ sau đại học chiếm hơn 70%. “Với đặc thù của một huyện miền núi, việc tuyển cán bộ có chuyên môn giỏi rất khó. Vì thế, chúng tôi phải đào tạo từ nguồn tại chỗ, chủ yếu là lấy từ hệ y sĩ đưa đi cử tuyển, đào tạo. Đến năm 2016 - 2017, toàn huyện sẽ có 27 - 28 bác sĩ, bảo đảm yêu cầu 7 bác sĩ/1 vạn dân”, bác sĩ Phán nói.
Thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, xã Khánh Trung cũng rất chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã. Bà Võ Thị Minh Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết, đến nay, cán bộ công chức xã được đào tạo đáp ứng đủ chuẩn, hiện có 5 cán bộ đang theo học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm Học tập cộng đồng xã phối hợp với các ngành mở 3 lớp đào tạo nghề mộc và điện dân dụng (25 - 35 học viên/lớp), nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nông, lâm nghiệp cho nông dân. Qua đó, lao động nông thôn sau đào tạo có việc làm chiếm 75%. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn về kinh phí nên công tác liên kết đào tạo nghề còn hạn chế.
Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực của huyện có sự phát triển nhanh về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, tuy nhiên vẫn còn khó khăn. So với nhu cầu, lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp, lao động có trình độ cao (trung cấp trở lên) còn hạn chế, chiếm hơn 5% so với tổng số lao động đang làm việc. Ngành Y tế vẫn còn tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa sản, nội, ngoại, dược... Việc vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp còn hạn chế, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số...
Từ năm 2011 đến 2014: Huyện cử 173 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (trình độ trung cấp, đại học và sau đại học); 780 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng; 12 sinh viên theo học các trường đại học… Huyện cũng đã hỗ trợ học nghề cho 766 người (Quyết định 69 và Đề án 1956), số học viên có việc làm là 512 người. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.000 người được đào tạo qua các trình độ từ sơ cấp nghề đến đại học và sau đại học. |
Thời gian qua, huyện đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, phối hợp với Dự án y tế Hà Lan - Việt Nam triển khai đào tạo nghề giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, do đặc thù là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là người dân tộc thiểu số; các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện không nhiều nên chưa thu hút được lực lượng lao động phi nông nghiệp. Mặt khác, số người quan tâm đến học nghề ít nên việc chuyển dịch cơ cấu lao động phi nông nghiệp còn chậm; năng suất lao động còn hạn chế, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn kém nên khó đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng... Giai đoạn 2012 - 2015 và các giai đoạn sau, huyện tập trung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghề nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, đổi mới chương trình, giáo án dạy nghề, kế hoạch tuyển sinh, công tác kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề. Huyện kiến nghị tỉnh có chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, đồng thời mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 07 để thu hút nhân tài...
PHÚ LÂM - KIM THAO