Nội dung cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua nhà ở thương mại trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào chiều 25-11. Ngoài ra, đối tượng được thuê nhà ở công vụ bị thu hẹp.
Nội dung cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua nhà ở thương mại trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào chiều 25-11. Ngoài ra, đối tượng được thuê nhà ở công vụ bị thu hẹp.
Cho mua nhưng hạn chế về số lượng và thời gian sở hữu
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nêu rõ: việc quy định đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được mở rộng là bước tiến trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế. Song, việc phát triển, hội nhập cũng nhất thiết phải bảo đảm yếu tố an ninh, quốc phòng. Về vấn đề này, dự thảo luật đã có những quy định chặt chẽ. Cụ thể: Chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu có hạn chế...
Luật nêu rõ, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà tại Việt Nam khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam thông qua các hình thức: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng những quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ đầy đủ các quy định: Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà đối với nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường. Quy định về thời hạn tối đa được sở hữu nhà ở đối với cá nhân nước ngoài theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở là không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong giấy chứng nhận.
Đối tượng thuê nhà công vụ bị thu hẹp
Về nhà công vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu QH đề nghị thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ, dự thảo luật được QH thông qua đã chỉnh lý theo hướng: nếu là cán bộ, công chức ở Trung ương thì giữ chức vụ từ cấp tổng cục trưởng và tương đương trở lên, nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên, nhưng vẫn phải đáp ứng điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác và một số điều kiện khác thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã quy định rõ hơn cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn thực hiện việc cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ.
Bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai
Về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua chiều 25-11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết, luật sửa đổi bổ sung quy định rõ bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng dự án, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình nhằm tăng cường bảo vệ người mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, luật sửa đổi cũng quy định rõ: Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà ở đúng tiến độ như đã cam kết theo hợp đồng thì phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính; khi đã xây dựng xong móng của công trình và phải được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm tra đủ điều kiện của nhà ở được phép bán, cho thuê mua thì mới được thu tiền ứng trước của khách hàng và chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng trong lần đầu, không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà; khi bên mua, thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận thì không được thu quá 95% giá trị hợp đồng.
T.A (Tổng hợp)