09:11, 18/11/2014

Nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Nhằm thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án thực hiện, triển khai kế hoạch.

Nhằm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án thực hiện, triển khai kế hoạch.

 

Những vùng nông thôn của TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh sẽ quy hoạch sản xuất rau sạch phục vụ du lịch.
Những vùng nông thôn của TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh sẽ quy hoạch sản xuất rau sạch phục vụ du lịch.


Mục tiêu phát triển bền vững


Đề án này được triển khai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành; cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân nông thôn. Trên địa bàn tỉnh, Đề án này có mục tiêu phát huy tối đa lợi thế so sánh về chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh thủy sản, chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh; giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2014 - 2015, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt hơn 4%/năm; đến năm 2015 có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94%...


Đối với ngành trồng trọt, để bảo đảm hình thành, ổn định các vùng sản xuất tập trung thâm canh cao, cần phải đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng và thích ứng với điều kiện khí hậu. Các địa phương chọn ra những cây trồng chủ lực như: sầu riêng, mía tím (huyện Khánh Sơn), xoài (huyện Cam Lâm), bưởi da xanh (huyện Khánh Vĩnh), mía, dừa xiêm (thị xã Ninh Hòa)… để đầu tư thâm canh; chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa. Những vùng nông thôn của TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh cần quy hoạch sản xuất rau sạch phục vụ du lịch…


Ngành chăn nuôi triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh, hỗ trợ giống mới, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại… Các trang trại chăn nuôi không được xây dựng trong khu dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường…


Trong tái cơ cấu, ngành thủy sản cần duy trì tốc độ tăng trưởng cả về nuôi trồng lẫn khai thác và chế biến nhằm tăng sản lượng, hiệu suất chế biến. Mục tiêu đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 20.000 tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định từ 4.500ha đến 5.000ha; tập trung nguồn lực đánh bắt xa bờ…  


Đang triển khai Đề án


 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện Đề án có hiệu quả. Sở NN-PTNT đã triển khai Kế hoạch này với các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Sở đã đưa ra 21 phần việc sẽ thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015. Trong đó, có 8 nhiệm vụ về rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới quy hoạch; 10 đề án, dự án và 3 mô hình điểm cần nhân rộng. Những quy hoạch được quan tâm như: quy hoạch chi tiết vùng sản xuất lúa chất lượng cao; quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía; quy hoạch nuôi trồng thủy sản; quy hoạch chi tiết các khu giết mổ tập trung… Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT cho biết: “Năm 2013, hầu hết các quy hoạch ngành Nông nghiệp đã được phê duyệt, nhưng một số quy hoạch chi tiết trên từng lĩnh vực và sản phẩm chưa được triển khai. Vì vậy, trong thời gian đến, cần rà soát để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cho phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành”.


Các đơn vị như: Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy lợi… cũng đã có những kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án thuộc phạm vi, lĩnh vực của mình. Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Căn cứ vào Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành thủy lợi sẽ có 7 nhóm nhiệm vụ cụ thể nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, các ngành khác phải ban hành được quy hoạch trước như: vùng nguyên liệu mía là vùng nào, vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở đâu… để ngành thủy lợi có thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ”.


Trong khi đó, một số lãnh đạo các đơn vị đang băn khoăn về thời gian đề ra trong kế hoạch triển khai Đề án. “Trong giai đoạn 2014 - 2015 có 21 phần việc, trong khi hiện nay đã là tháng 11-2014. Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện các phần việc khá lớn nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch”, bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật nói.


Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài. Vì vậy, các đơn vị chức năng cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thường xuyên đánh giá, tổng kết, điều chỉnh để có hướng đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển.


MAI HOÀNG