Những năm qua, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, để người lao động sau học nghề có việc làm ổn định, rất cần sự gắn kết giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Những năm qua, chất lượng đào tạo nghề (ĐTN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, để người lao động sau học nghề có việc làm ổn định, rất cần sự gắn kết giữa ĐTN với doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động.
Dạy nghề điện lạnh tại Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang. |
Kết quả khả quan
Hiện nay, toàn tỉnh có 59 cơ sở ĐTN, trong đó 19 cơ sở công lập và 40 cơ sở ngoài công lập được phân bổ đều ở các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị dạy học; đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo; đổi mới nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với sự thay đổi về kỹ thuật, công nghệ sản xuất của DN. Ông Mạc Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh cho biết: “Để khuyến khích người dân tham gia học nghề, chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền, vận động về ĐTN tại các cuộc họp dân ở từng xã, thị trấn. Trường cũng phối hợp với các trường THCS, THPT mở nhiều đợt tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, trường không ngừng mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động”.
Với những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, các cơ sở dạy nghề đều phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi mở lớp dạy nghề cho người dân. Mặt khác, đối tượng học nghề thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, người khuyết tật... được hỗ trợ học phí, ăn ở, đi lại. Chị Nguyễn Thị Trúc Mai (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) - tham gia lớp may tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh cho biết: “Nhà nghèo, tôi học hết lớp 4 rồi bỏ học. Lớn lên không có bằng cấp, tay nghề nên đi xin việc không có nơi nào nhận. Vì vậy, tôi quyết định đi học nghề. Học tại đây, tôi không phải đóng học phí mà còn được nhà trường hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày học, tiền đi lại 200.000 đồng/khóa học”.
Công tác đào tạo nghề cần được gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động. |
Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề còn ký kết hợp đồng với DN nhằm tạo thuận lợi trong việc tuyển dụng người học nghề sau khi tốt nghiệp. Theo lãnh đạo Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa, để người học khi ra trường có việc làm, trường đã chủ động ký kết với một số DN như: Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty TNHH Sambo ISE... Trung bình mỗi năm, các DN này tiếp nhận khoảng 1.000 lao động đã qua đào tạo vào làm việc.
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, công tác ĐTN trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật, chính sách về dạy nghề từng bước hoàn thiện đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dạy nghề phát triển. Dạy nghề đang từng bước chuyển đổi theo hướng sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo và xuất khẩu lao động. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, việc triển khai Đề án “ĐTN cho lao động nông thôn đến năm 2020” luôn đảm bảo hơn 70% số người sau ĐTN có việc làm.
Gắn kết trong đào tạo nghề
Từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ sở đã ĐTN cho hơn 10.000 người. Ngoài ra, thực hiện Đề án “ĐTN cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các cấp, ngành cũng đã mở gần 30 lớp dạy nghề cho hơn 1.000 người với tổng kinh phí hỗ trợ ĐTN hơn 1,5 tỷ đồng. |
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, những năm gần đây, các trường dạy nghề còn đẩy mạnh công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của DN và thị trường lao động; chú trọng đào tạo các ngành nghề mà DN có nhu cầu sử dụng cao như: du lịch, cơ điện, hàn, mộc, may mặc... Ông Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang cho biết: “Việc gắn công tác ĐTN của nhà trường với nhu cầu của các DN sẽ tạo ra lợi ích kép. Chất lượng đào tạo của nhà trường sẽ được nâng cao do DN tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho các sinh viên có môi trường thực hành tốt nhất. Đồng thời, DN giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường. Thông qua việc phối hợp này, các DN được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị...”.
Ông Mai Xuân Trí nhận định: “Việc chuyển hướng ĐTN gắn với nhu cầu của các DN là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề cũng như chất lượng nguồn lao động. Do đó, các trường nghề cần chủ động sâu sát với DN để ký kết các hợp đồng tuyển sinh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực do mình đào tạo. Phía DN cần cử đại diện theo dõi, tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của học viên”. Bên cạnh đó, để đào tạo lao động theo đúng yêu cầu vị trí công việc ở DN, cần có sự tham gia hướng dẫn thực hành của cán bộ, kỹ sư, chuyên gia phụ trách sản xuất của DN. Qua đó, nhà trường cũng tiếp cận được công nghệ mới để điều chỉnh, sửa đổi chương trình, giáo trình đào tạo, đáp ứng được nhu cầu của DN. Đặc biệt, các trường nghề cần chú trọng đào tạo lao động chất lượng hơn là chạy theo số lượng; năng động hơn trong việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng của DN để liên kết đào tạo lao động chuyên sâu. Hàng năm, các trường cần điều tra cung - cầu lao động để xác định nguồn nhân lực theo cơ cấu nghề, trình độ... nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Có như vậy mới dần xóa bỏ được khoảng cách giữa học và hành nghề, tạo sự tin cậy cho các nhà tuyển dụng...
PHÚ VINH