Do ảnh hưởng của mưa lớn và lũ nhiều năm qua, một số điểm của bờ hữu sông Cái trên tuyến Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Thọ bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài gây mất an toàn dân sinh, tình trạng này còn ảnh hưởng không nhỏ đến con đường quan trọng nối huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Do ảnh hưởng của mưa lớn và lũ nhiều năm qua, một số điểm của bờ hữu sông Cái trên tuyến Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Thọ bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài gây mất an toàn dân sinh, tình trạng này còn ảnh hưởng không nhỏ đến con đường quan trọng nối huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Căn nhà bỏ hoang sau khi bị phá hỏng vì sạt lở tại thôn Phước Lương, xã Diên Thọ. |
Xây kè chống sạt lở
Theo người dân, trước đây, bờ sông Cái cách Tỉnh lộ 2 cả trăm mét nhưng do sạt lở nên hiện nay nhiều đoạn sông và đường sát cạnh nhau. Nhiều khu vực có nhà dân, bờ sông đã men sát vào chân nhà. Những lũy tre trước đây nằm cao ngang mặt đường, giờ bị kéo xuống sát mặt nước. Mấy mùa lũ trước đã kéo phăng 4m nhà và sân của gia đình anh Tiến (thôn Phước Lương, xã Diên Thọ) xuống sông Cái. Mấy hộ lân cận cũng đã chuyển đi vì nhà đã bị sập một nửa xuống sông. Anh Tiến cho biết: “Mấy năm trước, cứ đến mùa mưa lũ, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Ban đêm chỉ lo nước cuốn trôi nhà cửa và nguy hiểm đến tính mạng. 2 năm trở lại đây, huyện đã cho xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, gia đình tôi xây sửa lại nhà nên cũng tạm yên tâm”. Trao đổi với những hộ dân sinh sống trong khu vực đã được xây kè chống sạt lở, đa số các hộ rất phấn khởi khi Nhà nước quan tâm xây kè, đảm bảo an toàn cho người dân sống liền kề bờ sông.
Bà Đỗ Thị Minh Tỏ lo lắng với căn nhà bị nứt tường, mái. |
Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, bờ hữu sông Cái đoạn qua thôn Phước Lương nhiều đoạn bị xói lở nặng từ trạm bơm Cầu Đôi qua thôn Phước Lương. Chiều dài cả đoạn cần kè lên đến 1.500m. Từ năm 2013, do yêu cầu cấp thiết tại những đoạn nhà dân bị kéo sập, tỉnh đã đầu tư vốn để xây kè ở những đoạn xung yếu này. Kè có tác dụng ngăn chặn dòng chảy sông Cái xâm thực gây sạt lở Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Thọ, bảo vệ tuyến đường quan trọng liên huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Giai đoạn 1 tập trung đầu tư xây kè tại các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến khu dân cư (213m). Mái kè ta luy tính từ mặt đỉnh kè đến đáy lòng sông là 7m. Giai đoạn 2, tiếp tục xây kè tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, các công trình hạ tầng, công trình dân sinh (168m). Tổng vốn đầu tư trong 2 giai đoạn gần 10 tỷ đồng.
Cần vốn đầu tư
Mặc dù đã triển khai được 2 giai đoạn, tổng số chiều dài đoạn sạt lở cần xây kè tại đây vẫn còn hơn 1.100m. Vì vậy, khi mùa mưa lũ tới gần, các hộ dân còn lại vẫn sống trong lo sợ. Bà Đỗ Thị Minh Tỏ (đội 2, thôn Phước Lương) chỉ vào những vết nứt trên tường nhà: “Sát nhà tôi là hàng tre chống xói lở, giờ hàng tre đã bị bứt xuống sông. 5 - 6 gia đình quanh đây đã dọn đi vì sợ nguy hiểm. Gia đình tôi không có điều kiện chuyển đi, phía sau bị bứt mất bức tường, giờ phải dùng tre làm vách. Để chống lại nước lũ, gia đình đã tự xếp đá nhưng không ăn thua. Bờ sông sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nếu không khắc phục tình trạng này thì căn nhà tôi đang ở cũng chẳng còn”. Quan sát xung quanh nhà bà Tỏ, chúng tôi thấy có một số nhà bị nước lũ làm trôi sụp mất nhà bếp và khu vực phụ đằng sau. Nhiều chỗ các hộ dân tự xếp đá thành bậc để chống nước lũ xâm thực.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết, đoạn sạt lở nêu trên nằm trong Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối lớn trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Bên cạnh giải pháp chính là đầu tư ổn định dần từng đoạn sông, xây kè bảo vệ bờ còn kết hợp tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở; theo dõi quan trắc thông báo diễn biến sạt lở, cảnh báo vùng có nguy cơ sạt lở cao để người dân có các biện pháp phòng tránh; trồng tre, sú, vẹt trên các bờ sông suối khu vực có dân cư sinh sống để hạn chế sạt lở. “Hàng năm, tỉnh ưu tiên đầu tư xây kè tại đoạn sông này, tuy nhiên do nhu cầu lớn nên mới chỉ đầu tư được ở những đoạn nguy hiểm nhất. Đoạn còn lại, tổng mức đầu tư lên đến hơn 30 tỷ đồng nên huyện rất khó khăn về vốn. Chúng tôi mong tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn vốn cho giai đoạn còn lại để đảm bảo cơ sở hạ tầng đường sá, trường học và an sinh khu dân cư ven sông”, ông Hùng nói.
Hương Quỳnh