07:11, 14/11/2014

Để hạn chế xe mô tô gây tai nạn: Cần giải quyết từ gốc

Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm cả 3 tiêu chí nhưng tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ cao. Làm thế nào để hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này vẫn là một bài toán khó.

Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm cả 3 tiêu chí nhưng TNGT liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ cao. Làm thế nào để hạn chế TNGT liên quan đến loại phương tiện này vẫn là một bài toán khó.

 

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe người vi phạm an toàn giao thông.
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe người vi phạm an toàn giao thông.


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 188 vụ TNGT đường bộ, đường sắt làm 154 người chết, 108 người bị thương, giảm 40 vụ, giảm 9 người chết và giảm 85 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy TNGT giảm nhưng phương tiện gây ra các vụ tai nạn chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ cao (gần 60% các vụ TNGT).


Theo Trung tá Nguyễn Trọng Thắng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang, nguyên nhân chủ yếu vẫn do người điều khiển xe mô tô chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tuy đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; trên các tuyến đường, tình trạng phương tiện lưu thông hỗn hợp khá phổ biến. Cùng với đó, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đang thi công, dẫn tới làn đường xe thô sơ, xe máy bị thu hẹp nên trong quá trình lưu thông các phương tiện này lấn sang phần đường dành cho ô tô...


Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) còn nhiều bất cập khi đối tượng cần được tuyên truyền là lực lượng thanh niên - những người thường xuyên tham gia giao thông trên đường, dễ gây ra các vụ TNGT lại ít tham gia các buổi tuyên truyền. Ngoài ra, lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng, chưa đảm bảo duy trì thường xuyên trên các tuyến đường giao thông trọng điểm, nhất là vào ban đêm…


Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp cần thực hiện là xử phạt nặng các trường hợp vi phạm trật tự ATGT nhằm hạn chế tai nạn liên quan đến xe mô tô. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cần chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển ô tô chở quá tải, xe mô tô, xe gắn máy vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.


Theo ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc phạt nặng các trường hợp vi phạm ATGT tuy là giải pháp hữu hiệu nhưng mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Thời gian tới, nhằm kiềm chế TNGT nói chung và TNGT liên quan đến xe mô tô nói riêng, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm của lực lượng Công an, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ban ATGT tỉnh, các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, hiểm họa tai nạn xe mô tô, xe gắn máy; các biện pháp phòng tránh; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự ATGT và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Sở Giao thông vận tải tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2 theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng sát hạch lái xe, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm. Ngoài ra, tăng cường và nâng cao điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT đường bộ, lắp đặt biển báo giao thông tại các đường ưu tiên…


Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay số lượng giấy phép lái xe mô tô do Sở quản lý so với số phương tiện đăng ký trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm hơn 55%. Vì vậy, Thanh tra Sở và lực lượng Công an cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp tham gia giao thông không có giấy phép lái xe.


CẨM VÂN