Hình thành hơn 10 năm nay, chợ cá Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một trong những đầu mối thu mua thủy sản lớn trên địa bàn, nhưng chỉ là chợ tự phát do người dân lập ra. Các hoạt động buôn bán tại đây gây ồn ào, mất trật tự và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hình thành hơn 10 năm nay, chợ cá Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một trong những đầu mối thu mua thủy sản lớn trên địa bàn, nhưng chỉ là chợ tự phát do người dân lập ra. Các hoạt động buôn bán tại đây gây ồn ào, mất trật tự và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhếch nhác chợ cá. |
Họp chợ từ nửa đêm
Chúng tôi có mặt tại khu chợ cá thị trấn Vạn Giã lúc 12 giờ đêm, thời điểm các hoạt động buôn bán thủy sản bắt đầu diễn ra.
Dọc tuyến đường biển Trần Hưng Đạo, hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chở cá từ các tỉnh, thành tấp nập đổ về giao hàng cho các đầu mối thu gom. Chị Nguyễn Thị Liên, một tiểu thương cho biết, mỗi ngày chị thu gom từ 15 đến 20 tấn cá để bán cho người nuôi trồng làm thức ăn cho tôm, ốc... “Ở khu này có hơn 10 hộ thu mua với số lượng lớn, gom hàng chủ yếu từ các địa phương như: Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Quảng Ngãi... Sức tiêu thụ ở chợ này mỗi ngày lên tới hàng trăm tấn cá” - chị Liên nói. Sau khi cá được đưa vào các kho tạm, các chủ thu mua thuê từ 70 đến 100 nhân công địa phương cắt cá, phân loại ngay trong đêm. Và chỉ trong thời gian ngắn, người nuôi trồng ven biển trong khu vực mang các xe tải con đến mua lại của các đầu nậu.
Ở chợ cá này còn có một khu buôn bán thủy sản tươi sống hết sức nhộn nhịp, thu hút hàng trăm tiểu thương đến thu mua. Các tàu đánh bắt cá ven biển cũng cập bến vào thời điểm này, mang theo hàng chục tấn thủy sản bày bán trong chợ. Buôn bán ở đây gần 10 năm, chị Hoàng Thị Thắm chia sẻ: “Khu này bán đủ loại, từ mực, tôm, cua, cá, ốc, sò, ghẹ... Chúng tôi đến mua của chủ ghe rồi bán lại cho người tiêu dùng ở chợ nhỏ. Vì mua bán trực tiếp mình có thể ngã giá được, giá thường rẻ hơn so với mua qua trung gian nên dù phải thức khuya, dậy sớm cũng ráng làm kiếm tiền lo cho cuộc sống”.
Ô nhiễm môi trường
Do được coi là chợ đầu mối, nên tuy đêm khuya nhưng hoạt động mua bán ở chợ cá Vạn Giã rất nhộn nhịp. Nằm chủ yếu ở tổ dân phố 4, chợ nhỏ nhưng sức tiêu thụ lớn, cơ sở vật chất không có nên các xe chở cá ngang nhiên lấn chiếm lòng đường làm nơi đậu. Việc buôn bán cũng diễn ra ngay tại khu vực này. Không những thế, các chủ thu mua cũng chế biến cá và xả nước thải trực tiếp ra đường. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương khu vực đường Trần Hưng Đạo.
Ông Võ Đình Sơn, một người dân sống đối diện với khu chợ cho biết: “Gia đình tôi hầu như mất ngủ bởi đêm nào chợ cá cũng ồn ào kinh khủng, tiếng xe tải nổ ầm ầm, tiếng người mua bán, ngã giá, nhiều khi đánh, chửi nhau. Đặc biệt là khu chợ cá gây ô nhiễm môi trường, mùi cá tanh hôi nồng nặc. Trời mưa còn đỡ chứ nắng lên, mùi hôi càng nồng hơn. Nhà tôi 4 người mà có tới 3 người bị viêm xoang. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có phản hồi”. Cách đó mấy nhà, ông Võ Đình Long bức xúc: “Ngay tại khu đông dân cư mà lại hình thành một chợ cá nhếch nhác là điều bất hợp lý. Tôi mong các cấp, ngành sớm có giải pháp di dời chợ ra khu vực khác, xa khu dân cư để trả lại sự bình yên cho người dân”.
Ngay cả các chủ thu gom cá tại chợ cũng không chịu được mùi hôi tanh trong quá trình chế biến cá. “Vẫn biết là việc buôn bán tại khu vực này là trái với quy định, làm ô nhiễm môi trường, nhưng vì miếng cơm manh áo, chúng tôi vẫn phải làm. Tuy trực tiếp thu gom cá từ nhiều năm nay, nhưng gia đình tôi cũng không thể chịu được mùi tanh hôi của cá. Bạn bè, ngay cả con cháu trong gia đình cũng không muốn về đây ở. Nhiều khi tổ chức đám giỗ phải ra nhà hàng chứ làm ở nhà không ai muốn tới” - bà Nguyễn Thị Vân, chủ thu mua cá cho biết.
Chờ nhà đầu tư xây dựng Bến cá Phú Hội
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Bằng - Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết: “Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, gây mất an ninh trật tự tại khu vực chợ cá tự phát này, địa phương đã tổ chức ra quân, đưa các lực lượng như dân phòng, đô thị, cảnh sát giao thông... tới dọn dẹp chợ cá, cấm các hộ kinh doanh họp chợ. Song, do nhu cầu của người dân nên cấm chỗ này, người dân lại dọn sang khu vực khác để buôn bán”.
Theo quy hoạch chi tiết giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn đến năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng Bến cá Phú Hội (xã Vạn Thắng, Vạn Ninh) có diện tích hơn 20ha làm nơi buôn bán, neo đậu tàu thuyền 400 đến 600CV; đồng thời phục vụ cho việc đánh bắt, thu mua hải sản của nhân dân trên địa bàn huyện Vạn Ninh, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị tại khu vực chợ cá Vạn Giã. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên tỉnh chưa thể đầu tư xây dựng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh và huyện Vạn Ninh có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng Bến cá Phú Hội theo hình thức xã hội hóa. Năm 2013, Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Hiệp Phát (trụ sở ở TP. Nha Trang) xin được đầu tư xây dựng Bến cá Phú Hội. Tháng 9-2014, Công ty Xây dựng và Phát triển Môi Trường Xanh cũng làm đơn xin được đầu tư xây dựng. Cả hai công ty này đều được UBND tỉnh, huyện Vạn Ninh chấp thuận, tạo điều kiện để triển khai dự án. Nhưng đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện 2 đơn vị đã chính thức bỏ cuộc. Đến ngày 7-10, Công ty TNHH Luyện cán thép Hiệp Phát làm đơn xin đầu tư xây dựng bến cá. Đổi lại, đơn vị này sẽ triển khai nạo vét cát nhiễm mặn tại khu vực này. Được biết, đề nghị của đơn vị này đã được UBND tỉnh và huyện Vạn Ninh đồng ý.
Ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết: “Hiện Công ty TNHH Luyện cán thép Hiệp Phát đã tiến hành khảo sát và đang lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, khi nào công ty này triển khai xây dựng Bến cá Phú Hội thì vẫn chưa có phản hồi chính xác”.
Văn Giang - Mạnh Hùng