08:11, 25/11/2014

Cần thành lập trung tâm công tác xã hội

Theo ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho người dân và thúc đẩy sự phát triển nghề này theo hướng chuyên nghiệp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, cần thành lập một trung tâm công tác xã hội  trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Khánh Hòa, để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) cho người dân và thúc đẩy sự phát triển nghề này theo hướng chuyên nghiệp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, cần thành lập một trung tâm CTXH trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành thăm trẻ em bị bỏ rơi  đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ngành thăm trẻ em bị bỏ rơi đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Nhu cầu bức thiết


Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 11.700 hộ nghèo, 28.500 hộ cận nghèo và hàng ngàn đối tượng phụ nữ bị bạo lực gia đình, trẻ em bị bạo hành... Mặt khác, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày như: ly hôn, bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, nghiện game... đang rất cần sự can thiệp của các dịch vụ CTXH.


Để bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp xã hội; đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều đối tượng đang ở tại các cơ sở bảo trợ xã hội; huy động nguồn lực trong và ngoài nước thực hiện các dự án trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, những hoạt động này chỉ mang tính quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, từ thiện xã hội chứ chưa thực sự mang tính hỗ trợ, cung cấp dịch vụ CTXH để can thiệp, trợ giúp các đối tượng phát huy tiềm năng của bản thân, tự giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình và cộng đồng...


Ngoài ra, triển khai Đề án phát triển nghề CTXH, tỉnh đã thành lập 2 phòng cung cấp dịch vụ CTXH (tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh); đồng thời hình thành mạng lưới cộng tác viên CTXH ở cấp xã, cộng tác viên trẻ em, đội tình nguyện xã hội hoạt động kiêm nhiệm tại cộng đồng. Bước đầu, hoạt động này đã cung cấp một số dịch vụ CTXH cho các đối tượng tại cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH. Thế nhưng, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên này hầu như chưa được đào tạo chuyên ngành CTXH, còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Cùng với đó, hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH chưa chuyên nghiệp, số lượng đối tượng được hỗ trợ còn hạn chế, chưa có những mô hình kết nối các dịch vụ xã hội, đặc biệt là thiếu sự phối hợp chặt chẽ nhằm huy động tối đa các nguồn lực trợ giúp đối tượng...


Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32) nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nghề CTXH tại Việt Nam. Triển khai Đề án này, hiện nay, cả nước có 32 tỉnh, thành đã thành lập trung tâm CTXH. Tại các trung tâm này, hầu hết những vấn đề xã hội xảy ra đều được giải quyết kịp thời, phù hợp. Ông Lê Hữu Thọ cho biết: “Trước những nhu cầu bức thiết đó, cùng với bối cảnh chung của cả nước đang hình thành và phát triển hệ thống mạng lưới các trung tâm CTXH theo mục tiêu của Đề án 32. Chính vì vậy, việc thành lập một trung tâm CTXH trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết”.


Sẽ là nơi giải quyết các vấn đề xã hội

 

Theo khảo sát của ngành LĐ-TB-XH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 220.400 người cần có nhu cầu trợ giúp các dịch vụ CTXH, chiếm 18% dân số. Trong đó, hơn 33.300 đối tượng bảo trợ xã hội, hơn 119.200 người cao tuổi, hơn 35.700 người khuyết tật, hơn 7.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đặc biệt khó khăn, hơn 19.300 trẻ em dễ bị tổn thương, hơn 3.100 người đã phát hiện bị nhiễm HIV, hơn 1.100 người nghiện ma túy, hơn 500 người hoạt động mại dâm.

Hiện nay, Sở LĐ-TB-XH đã xây dựng xong đề án thành lập và đang lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan nhằm hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, trung tâm CTXH sẽ có 5 phòng chuyên môn gồm: Hành chính - Tổng hợp, Tư vấn và trợ giúp, Đào tạo và truyền thông, Phát triển cộng đồng, Quản lý trường hợp. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ là địa chỉ giải quyết tất cả các vấn đề xã hội và cung cấp dịch vụ CTXH cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng trên địa bàn tỉnh với 4 chức năng là: phòng ngừa, can thiệp hỗ trợ, phục hồi, phát triển. Bên cạnh đó, trung tâm còn có nhiệm vụ phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH trên toàn tỉnh; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để bảo vệ, trợ giúp, tìm kiếm, sắp xếp hình thức chăm sóc đối tượng; hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng; cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội...


Theo ông Lê Hữu Thọ, những tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa, lao động di cư... đã dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Thêm vào đó là sự gia tăng số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già và người khuyết tật; vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, nghiện rượu, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần... Tất cả những vấn đề đó sẽ được trung tâm CTXH giải quyết hài hòa, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại...


Từ thực tế đó cho thấy, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu để sớm thành lập một trung tâm CTXH chuyên nghiệp.


VĂN GIANG