01:11, 04/11/2014

Bảo tồn quần thể thông lá dẹt và pơ mu

Thông lá dẹt và pơ mu đều thuộc danh mục các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; được xếp vào nhóm IIA gồm các loài thực vật rừng bị hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Theo kết quả điều tra mới công bố, số cá thể 2 loài này còn rất ít, đặt ra yêu cầu cấp bách phải bảo tồn.

Thông lá dẹt và pơ mu đều thuộc danh mục các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; được xếp vào nhóm IIA gồm các loài thực vật rừng bị hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Theo kết quả điều tra mới công bố, số cá thể 2 loài này còn rất ít, đặt ra yêu cầu cấp bách phải bảo tồn.


Còn rất ít ngoài tự nhiên


Theo kết quả đề tài “Đánh giá phạm vi phân bố và thử nghiệm nhân giống đối với 2 loài thông lá dẹt và pơ mu” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá, có 114 cây thông lá dẹt và pơ mu ở một số khu vực ngoài Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Theo ông Trần Giỏi, nguyên chuyên viên Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài, việc điều tra để đánh giá tình trạng phân bố của thông lá dẹt và pơ mu rất vất vả khó khăn vì địa hình phức tạp, 2 loài này phân bố ở độ cao trên 1.100m. Nhóm nghiên cứu điều tra ở 7 xã gồm: Vạn Lương (Vạn Ninh), Ninh Thượng và Ninh Tây (Ninh Hòa), Sơn Thái và Giang Ly (Khánh Vĩnh), Sơn Hiệp và Sơn Trung (Khánh Sơn).


Qua điều tra phân bố 2 loài cho thấy, đối với thông lá dẹt, phạm vi phân bố hạn chế so với pơ mu. Nhóm nghiên cứu chỉ tìm thấy loài này ở 2 khu vực khảo sát là Hòn Vọng Phu (xã Ninh Tây) và Hòn Giao (Sơn Thái). Diện tích phân bố rất nhỏ, số cá thể ít với 49 cá thể hợp thành 3 quần thể cách biệt trên diện tích phân bố hơn 47ha, ở độ cao 1.300 - 1.600m. Các quần thể già nua, thiếu hụt lớp cây độ tuổi nhỏ và trung niên; tình trạng tái sinh hạn chế do bị các loài cây khác cạnh tranh, chèn ép. Thông lá dẹt phân bố rời rạc, thiếu ổn định và khó có thể tự duy trì nếu không triển khai các giải pháp bảo tồn thích hợp. Pơ mu có phạm vi phân bố khá rộng, chủ yếu ở phía Tây của tỉnh. Vì gỗ và tinh dầu của loài cây này có giá trị cao nên đã bị khai thác trái phép nhiều, làm suy giảm nghiêm trọng phân bố của loài. Hiện nay chỉ còn ghi nhận 65 cá thể với 4 quần thể ở Hòn Vọng Phu, xã Sơn Thái và núi Man Han (Sơn Trung) trên diện tích phân bố hơn 107ha, ở độ cao 1.100 - 1.800m. Con số này rất nhỏ so với hàng trăm cây đã bị chặt hạ trong vài năm gần đây. Những cây còn sót lại phần lớn là cây xấu hoặc kích thước nhỏ, khả năng gieo giống sút kém, không đảm bảo tái sinh tự nhiên. Hiện nay, khu vực còn khá tập trung thông lá dẹt và pơ mu là Sơn Thái với 97 cá thể nhưng phần lớn đều xấu, không đáp ứng yêu cầu duy trì các quần thể.


Đối chiếu với kết quả điều tra thông lá dẹt và pơ mu ở Hòn Bà trước đây ghi nhận 84 cá thể, như vậy, toàn tỉnh có 198 cá thể, gồm 75 cây thông lá dẹt và 123 cây pơ mu.


Số lượng cây tái sinh 2 loài này chỉ chiếm 3,3% so với tổng số lượng cây tái sinh; mật độ trung bình cây tái sinh thấp đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến tái sinh tự nhiên.


Thử nghiệm nhân giống và đề xuất bảo tồn

 

Thông lá dẹt còn có các tên khác là thông 2 lá dẹt, thông Sri, Ngo Rí; tên khoa học Pinus krempfii. Loài cây này được phát hiện đầu tiên tại thượng nguồn sông Máu (huyện Khánh Vĩnh), sau đó là Hòn Vọng Phu.

Pơ mu còn có các tên khác như: đinh hương, mạy vạc, mạy long lanh, khơ mu, hòng he, thông hôi; tên khoa học Fokienia hodginsii.

Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhân giống thành công hơn 1.000 cây con sinh trưởng tốt tại vườn ươm bằng cách nhân giống hạt và giâm hom. Theo kết quả đề tài, 2 loài này đều có thể nhân giống hạt một cách dễ dàng với tỷ lệ hạt nảy mầm đối với thông lá dẹt 65,8% và pơ mu là 59,7%. Tuy nhiên, với phương pháp giâm hom, trong khi tỷ lệ hom pơ mu cho rễ khá cao (61,1 - 71,7%) thì tỷ lệ hom thông lá dẹt ra rễ rất thấp (1%). Nguồn giống ở Sơn Thái phù hợp nhất để nhân giống.


Kết quả điều tra phân bố 2 loài cho thấy, các quần thể của 2 loài đang bị thu hẹp đến mức báo động nên nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất: Trước mắt, cần khoanh vùng bảo tồn nghiêm ngặt đối với các quần thể hiện hữu; đồng thời vệ sinh rừng, dọn dẹp các cây đổ ngã, cành nhánh và xúc tiến tái sinh tự nhiên để cải thiện tình trạng tái sinh của thông lá dẹt và pơ mu. Đẩy mạnh công tác truyền thông và các hoạt động giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn trong cộng đồng. Xúc tiến thành lập vườn giống, trong đó, vật liệu nhân giống được tuyển chọn từ cây trội tại các quần thể khác nhau... Đề tài kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát quy hoạch rừng đặc dụng, xem xét thành lập khu dự trữ thiên nhiên Sơn Thái - Giang Ly, nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao và là vùng phân bố chính của 2 loài này...


Hội đồng Khoa học và Công nghệ đã thống nhất đề xuất của nhóm nghiên cứu về khoanh vùng bảo tồn, chuyển giao số cây con đã nhân giống, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn trong cộng đồng.


N.D