Vừa qua, Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã mời Công ty Cổ phần Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (gọi tắt là Công ty Trung Hậu, TP. Hồ Chí Minh) đến tổ chức hội thảo giới thiệu gạch không nung cho hơn 50 hộ dân sản xuất gạch thủ công ở xã Ninh Xuân, nhưng kết quả không như mong đợi.
Vừa qua, Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã mời Công ty Cổ phần Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (gọi tắt là Công ty Trung Hậu, TP. Hồ Chí Minh) đến tổ chức hội thảo giới thiệu gạch không nung cho hơn 50 hộ dân sản xuất gạch thủ công ở xã Ninh Xuân, nhưng kết quả không như mong đợi.
Vốn đầu tư quá lớn
Buổi hội thảo nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về dây chuyền sản xuất gạch không nung để người dân tham khảo, lựa chọn chuyển đổi trước khi Nhà nước cấm hẳn việc sản xuất gạch thủ công tại Ninh Xuân.
Theo giới thiệu của đại diện Công ty Trung Hậu, nguyên liệu chính để tạo ra gạch không nung là cát, khoáng silicat, xi măng, phụ gia gốc polymer hữu cơ làm chất phân tán và phụ gia hoạt tính vô cơ làm mầm kết tinh sớm. Cơ chế sản xuất loại gạch này là tổng hợp những polymer vô cơ, polymer hữu cơ và quá trình khoáng hóa trong một hệ thống khép kín để tạo nên một hệ polymer - khoáng tổng hợp. Quy trình sản xuất không qua nung sấy, có thể sử dụng sau 5 - 7 ngày ép áp suất cao định hình trong khuôn. Lợi thế của cách làm này là nguyên liệu chủ yếu có sẵn trong tự nhiên như cát, đá bụi, chất thải rắn xây dựng (xà bần), chất thải công nghiệp (xỉ than). Hình dáng và kích thước tương tự gạch đất sét nung nên không làm thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng. Ngoài ra, với loại gạch không nung này, khi xây dựng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức, nhiên liệu bởi chỉ cần hòa xi măng loãng để dán các viên gạch lại với nhau.
Các lò gạch nung truyền thống ở xã Ninh Xuân vẫn hoạt động bình thường. |
Tuy nhiên, theo ông Trần Lân, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, buổi hội thảo không đạt kết quả như mong đợi do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là tại xã Ninh Xuân không có nguyên liệu để sản xuất gạch không nung. Tại Ninh Hòa có mỏ đá Núi Sầm nhưng ở xa xã Ninh Xuân và đá ở đây không phù hợp để sản xuất loại gạch này. Do không có nguyên liệu tại chỗ nên chắc chắn việc sản xuất sẽ dẫn đến giá thành cao, không cạnh tranh được với gạch nung truyền thống.
Ngoài ra, với vốn đầu tư hệ thống máy lên đến hơn 7 tỷ đồng cho một cơ sở, người dân Ninh Xuân không dám mơ đến việc chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung. Theo ông Nguyễn Văn Lương (thôn Phước Lâm), để đầu tư một dây chuyền sản xuất gạch không nung cần gần 10 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền máy móc, thuê nhân công, thuê xe chở nguyên liệu... Ngoài ra, do dây chuyền máy móc hiện đại và tự động hoàn toàn nên để vận hành dây chuyền này, mỗi cơ sở cần phải có một người ít nhất có bằng trung cấp về kỹ thuật đứng máy.
Chờ thống nhất mức hỗ trợ
Theo lộ trình được UBND tỉnh ban hành, các lò gạch thủ công tại thị xã Ninh Hòa (chủ yếu ở xã Ninh Xuân) phải chấm dứt hoạt động từ cuối tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, do người dân chưa tìm được ngành nghề chuyển đổi, trong khi tỉnh chưa thống nhất được phương án hỗ trợ nên tạm thời các lò gạch thủ công vẫn tiếp tục sản xuất.
Theo báo cáo mới nhất, hiên nay trên địa bàn xã Ninh Xuân có 54 cơ sở sản xuất gạch thủ công, với 106 lò gạch (98 lò đứng, 8 lò vòng), hơn 800 nhân công, sản xuất hơn 800 triệu viên gạch mỗi ngày. |
Ngày 29-4, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản về việc ban hành quy định hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trình UBND tỉnh. Kèm theo văn bản là dự thảo nghị quyết, quyết định chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, HĐND tỉnh đã không thông qua nghị quyết này.
Ông Nguyễn Trinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, mục đích việc cấm sản xuất gạch thủ công truyền thống là vì vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cấm những hộ gia đình, còn các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn xã lại chưa có lộ trình cấm, trong khi những nhà máy này nung gạch bằng than, gây ô nhiễm hơn những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ông Trinh cho rằng nếu muốn gạch không nung phát triển thì phải cấm đồng loạt gạch nung truyền thống, vì nếu còn gạch nung thì gạch không nung không thể cạnh tranh được.
Việc chấm dứt các lò gạch thủ công truyền thống tại xã Ninh Xuân chắc chắn sẽ được thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thời gian cụ thể để thực hiện việc này. Hiện UBND tỉnh đang thống nhất mức hỗ trợ cho các hộ dân sản xuất gạch nung truyền thống. Trong khi đó, theo ông Trinh, người dân vẫn tiếp tục sản xuất và chờ chủ trương của tỉnh.
NHẬT THANH