Theo dự báo của một số bộ, ngành Trung ương, vụ Đông Xuân 2014 - 2015 sẽ chịu ảnh hưởng lớn của hạn hán. Vì vậy, các địa phương cần có phương án sản xuất sớm, chủ động và kịp thời.
Theo dự báo của một số bộ, ngành Trung ương, vụ Đông Xuân 2014 - 2015 sẽ chịu ảnh hưởng lớn của hạn hán. Vì vậy, các địa phương cần có phương án sản xuất sớm, chủ động và kịp thời.
Thiệt hại lớn do hạn hán
Vừa qua, tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2014 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2014 - 2015 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên (DHNTB-TN). Đây được đánh giá là năm đạt năng suất và sản lượng lúa cao nhất từ trước đến nay. So với năm 2011, năng suất lúa năm 2014 tăng 8,5% và sản lượng tăng 9,1%. Tuy nhiên, các ngành và địa phương cũng cho biết, năm 2014, thiệt hại trồng trọt do hạn hán cũng rất cao.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm 2014, do không có mưa, lượng dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt đã tác động xấu đến nguồn nước của các tỉnh DHNTB-TN, gây hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2013 - 2014 và đầu vụ Hè Thu 2014. Vụ Đông Xuân 2013 - 2014, diện tích cây trồng bị thiếu nước và chịu ảnh hưởng bởi hạn hán là 11.852ha, tập trung vào một số địa phương như: Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận..., thiệt hại chủ yếu ở những khu vực phụ thuộc nước trời và không có công trình thủy lợi. Vụ Hè Thu 2014 có 35.871ha thiếu nước, trong đó chịu thiệt hại nặng nhất là tỉnh Bình Định với 3.620ha mất trắng, Khánh Hòa có 2.084ha bị ảnh hưởng. Tổng cục Thủy lợi đã tham mưu Bộ NN-PTNT báo cáo Chính phủ hỗ trợ các địa phương DHNTB-TN chịu ảnh hưởng hạn hán hơn 157 tỷ đồng.
Vụ Hè Thu năm 2014, Khánh Hòa có 2.084 ha bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. |
Chủ động ứng phó
Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, khả năng xuất hiện El Nino trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015 vào khoảng 50 - 60%. Vì vậy, tình hình khô hạn, thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp có nhiều khả năng sẽ tái diễn trong năm 2015 ở các tỉnh DHNTB-TN”. Theo dự báo, lượng mưa trong mùa Đông Xuân 2014 - 2015 sẽ thiếu hụt 10 - 40% so với trung bình nhiều năm. Khu vực ven biển Trung bộ, trong mùa lũ 2014, dòng chảy trên các sông thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 10 đến 30%. Sau mùa mưa lũ, vào tháng 11, tháng 12, nguồn nước trên các sông, suối sẽ giảm mạnh, đặc biệt là vùng hạ lưu các hồ chứa. Do đó, các địa phương trong vùng cần sớm đưa ra phương án sản xuất vụ Đông Xuân 2014 - 2015 để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán.
Theo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2014 - 2015, toàn vùng DHNTB-TN sẽ gieo trồng khoảng 226.000ha. Vùng DHNTB tập trung gieo sạ từ ngày 10 đến 31-12; Tây Nguyên từ ngày 15-12 đến 5-1-2015. |
Tại hội nghị, đại diện các ban, ngành Trung ương và địa phương đã thảo luận nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho cả vùng và từng khu vực. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, bên cạnh các giải pháp quản lý nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, việc chuyển đổi cây trồng, thay đổi thời vụ cũng quan trọng. Những diện tích khó khăn nguồn nước tưới suốt vụ cần chuyển đổi sang loại cây trồng chịu hạn, hoặc gieo trồng sớm để tận dụng nguồn nước dồi dào đầu vụ. Các địa phương cần kiên quyết không để người dân tự phát gieo trồng quá khả năng cung cấp nước tưới để tránh thiệt hại do hạn hán. Ngoài ra, cần quan tâm tới công tác bồi dưỡng, tập huấn các kỹ thuật canh tác tiến bộ, phòng trừ dịch hại trên cây trồng...
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung biện pháp thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mỗi tỉnh cần chọn 2 - 3 giống lúa phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng. Cục Bảo vệ thực vật cần đẩy mạnh công tác dự báo dịch bệnh, giúp nông dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên các giống cây trồng có khả năng chịu hạn; Tổng Cục Thủy lợi thực hiện công tác quản lý nguồn nước, các biện pháp tưới tiết kiệm...
MAI HOÀNG