Chỉ cách trung tâm hành chính của xã hơn 9km nhưng bao đời nay người dân thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa vẫn phải dùng ghe, đò để làm phương tiện đi lại.
Chỉ cách trung tâm hành chính của xã hơn 9km nhưng bao đời nay người dân thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa vẫn phải dùng ghe, đò để làm phương tiện đi lại. Giao thông cách trở khiến cuộc sống và sự phát triển ở Khải Lương gặp không ít khó khăn...
Là thôn đất liền, song người dân Khải Lương chưa bao giờ được đi từ thôn ra xã bằng đường bộ. Tuy giữa thôn và trung tâm xã có những lối mòn ven biển nhưng nó chỉ dành cho những người đi rừng, tất cả mọi hoạt động đều gắn với đường biển. Phương tiện đi lại duy nhất là ghe, đò.
Ông Trần Ngọc Sương - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Khải Lương cho biết: “Tuy cách trung tâm hành chính xã không xa, nhưng vì không có đường bộ nên người dân toàn phải đi lại bằng đường biển. Mỗi lần sang UBND xã xin chứng thực giấy tờ người dân lại phải dùng ghe. Một vòng chạy ghe như vậy mất 2 tiếng đồng hồ, tốn cả trăm ngàn đồng tiền dầu. Chính vì thế mỗi lần có việc đi ra khỏi thôn là rất tốn kém và vất vả. Giao thương chỉ nhờ vào đường biển nên những ngày biển động, sóng lớn thì các hoạt động mua bán coi như ngừng trệ. Nhiều nhà, con sinh ra nhưng 2 - 3 năm sau vẫn chưa làm giấy khai sinh vì ngại đi lại”.
Được biết, hiện Khải Lương có khoảng 280 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu, nghề chính là đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Nếu như năm 2013, toàn xã Vạn Thạnh đánh bắt được 1.550 tấn hải sản, vượt chỉ tiêu 11% thì thôn đảo Khải Lương đã chiếm hơn 50% sản lượng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đầu tư nuôi tôm hùm, đã thu hoạch gần 200 tấn. Ngoài ra, Khải Lương còn có tiềm năng rất lớn về du lịch với những bãi tắm cát trắng mịn màng, những khu rừng mọc ven đồi cát. Với những thế mạnh như vậy, nếu không bị cách trở đò ngang, chắc chắn Khải Lương đã phát triển hơn rất nhiều.
Bao đời nay, phương tiện đi lại của người dân Khải Lương chủ yếu bằng ghe, đò. |
Ông Nguyễn Thọ (người dân thôn Khải Lương) tâm sự: “Ở đây chúng tôi có rất nhiều lợi thế, song vì thiếu đường bộ để giao thương nên mọi thứ làm ra chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái. Việc mua bán thường diễn ra ở trong thôn. Mình đi đánh bắt về hoặc nuôi trồng được cũng chỉ biết đợi họ đưa ghe đến mua. Thương lái biết được điểm yếu này nên họ hay ép giá, do đó thủy sản ở Khải Lương thường có giá thấp hơn ở những vùng thuận lợi giao thông. Chúng tôi mong muốn thôn Khải Lương có các dịch vụ cung cấp xăng dầu, nước ngọt, đá ướp, thực phẩm... cũng như có dịch vụ thu mua hải sản, chế biến để thuận lợi hơn cho tàu đánh bắt dài ngày trên biển. Nếu có một con đường, thôn sẽ “gần” hơn với trung tâm hành chính của xã. Khi đó, khách du lịch sẽ đến với Vạn Thạnh nhiều hơn. Người dân nơi đây sẽ có điều kiện làm du lịch, mang các sản phẩm làm ra để phục vụ du khách...”.
Hiện thôn Khải Lương đã có trường tiểu học, lên cấp 2 học sinh phải vào học ở thị trấn Vạn Giã. Không có đường nên các em phải ở trọ để đi học, rất tốn kém và bất tiện. Gia đình có điều kiện mới có thể cho con em mình tiếp tục đi học, còn nhà nào khó chỉ cho con học hết tiểu học rồi ở nhà đi biển. Bên cạnh đó, vì không có đường bộ nên việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng gặp không ít khó khăn. Mỗi lần bị ốm đau, người dân chỉ biết nhờ cậy vào điểm y tế của thôn, bệnh quá nặng mới đi ghe vào huyện để chữa trị. Với phụ nữ khi sinh đẻ, sinh dễ thì không sao, nhưng không may có sự cố họ không biết xoay xở thế nào, vì để đi ghe vào đất liền cũng mất 2 tiếng đồng hồ. Bà Trần Thị Hồng tâm sự: “Ở xa trung tâm, đi lại bằng đường biển nên muôn vàn khó khăn. Biển lặng còn đỡ, chứ vào mùa biển động hoặc có mưa bão, ghe tàu không thể đi lại được, bị bệnh nặng không biết xử lý thế nào”.
Ông Phan Văn Ni - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Khải Lương chưa có đường bộ là sự trăn trở của bao nhiêu đời lãnh đạo UBND xã Vạn Thạnh. Sự cô lập đã khiến kinh tế, văn hóa, xã hội ở đây bị kìm hãm. Người dân dường như chỉ sống co cụm trong cộng đồng dân cư nhỏ bé, ít có cơ hội giao lưu với vùng khác. Các sản phẩm làm ra và đánh bắt được trên biển cũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong rất nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng như chính quyền địa phương đã kiến nghị lên huyện, huyện kiến nghị lên tỉnh về vấn đề này. Hiện Sơn Đừng đã có đường nhựa, mà từ đó mở về Khải Lương chỉ còn khoảng hơn 9km”.
Theo ông Ni, tiềm năng của Khải Lương là rất lớn. Nếu có một con đường thì nơi đây chính là điểm tạo nên sức bật về sự phát triển chung cho toàn xã. Ông Ni bộc bạch: “Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến về con đường, tôi luôn trăn trở, nhưng xã lấy đâu kinh phí để làm đường, chỉ có thể kiến nghị với cấp trên”.
Được biết, hiện nguyện vọng của người dân Khải Lương đã được UBND tỉnh đồng ý. Qua khảo sát, tuyến đường về Khải Lương sẽ có chiều dài khoảng 9,2km với kinh phí 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai vào thời điểm nào còn phụ thuộc việc UBND tỉnh cân đối nguồn vốn.
Đình Lâm - Bích La