10:10, 17/10/2014

Người Đàng Hạ

Nghe kể, thuở trước, có mấy chiếc thuyền, không rõ của nước nào, bị bão biển nhấn chìm trên vùng biển Khánh Hòa. Một số ít người sống sót trôi dạt vào một vùng đất hoang sơ, lập nên xóm nhỏ Xuân Đừng, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Dân địa phương quen gọi họ là người Đàng Hạ.

Nghe kể, thuở trước, có mấy chiếc thuyền, không rõ của nước nào, bị bão biển nhấn chìm trên vùng biển Khánh Hòa. Một số ít người sống sót trôi dạt vào một vùng đất hoang sơ, lập nên xóm nhỏ Xuân Đừng, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Dân địa phương quen gọi họ là người Đàng Hạ.

 

xóm nhỏ Xuân Đừng, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Xóm Xuân Đừng.


Người Đàng Hạ là ai, từ đâu đến, đến từ bao giờ, vì sao lại đến nơi này… cho tới nay vẫn là những câu hỏi. Duy có điều dễ thấy nhất là cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người Đàng Hạ vẫn sống rất nghèo, nghèo nhất so các dân tộc thiểu số khác sinh sống trên địa bàn Khánh Hòa. Các nhà nghiên cứu rất khó tìm thấy một nét văn hóa nào đặc trưng của họ. Đến năm 1999, xóm nhỏ Xuân Đừng có 7 nóc nhà, với 36 nhân khẩu người Đàng Hạ. Họ sống trầm lặng, ưu tư; nhiều tự ti, mặc cảm.


Năm 1996, qua bài ghi chép 2 kỳ “Người Đàng Hạ ở xóm Xuân Đừng” của tác giả Hà Sơn đăng trên báo Khánh Hòa Chủ nhật, người Đàng Hạ được nhiều người biết tới hơn, chú ý hơn.


Đến năm 1999, tỉnh Khánh Hòa cấp kinh phí xây 7 ngôi nhà cho 7 hộ dân người Đàng Hạ. Không chỉ vậy, mỗi hộ còn được cấp 40 con tôm hùm giống, 1 con bò và cây điều giống. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, cụ thể là Đồn 358 Đầm Môn trực tiếp dạy người dân nơi đây học chữ; học kỹ thuật nuôi tôm hùm; học đánh cá; học trồng cây…


Sau hơn một năm nuôi tôm hùm, nhiều hộ dân người Đàng Hạ đã có trong tay hàng vài chục triệu đồng, số tiền trước nay họ chỉ có thể thấy được trong những giấc mơ. Người Đàng Hạ cũng đã biết mua ghe, sắm lưới ra khơi. Câu chuyện lên rừng chặt củi, đốt than, cực nhọc vậy mà vẫn đói lay đói lắt của người Đàng Hạ đã dần lùi vào quá khứ.


Nay thì người Đàng Hạ đã ở nhà xây; dùng điện lưới quốc gia; nhiều  gia đình đã có tàu đánh cá; thanh niên sử dụng rất thành thạo điện thoại di động; trẻ con đã biết mặt cái chữ quốc ngữ… Và, điều quan trọng nhất là người Đàng Hạ đang ngày một tự tin hơn trên mảnh đất mình đang sống. Ở đó, họ đón nhận được sự bao dung, chia sẻ của cộng đồng; sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương. Sự tự tin ấy giúp họ có thêm sức mạnh để bứt ra khỏi bóng đêm lạc hậu; vượt qua nỗi tự ti mà vững chãi bước về phía trước. Nhiều người Đàng Hạ cảm động nói, nếu không có sự chia sẻ, giúp đỡ như trên đã nói, không biết bao giờ người Đàng Hạ mới thoát được cảnh sống hoang dã, đói nghèo.


Theo các nhà nghiên cứu, trên địa bàn Khánh Hòa, ngoài khu vực xóm Xuân Đừng, hiện người Đàng Hạ còn sinh sống ở thôn Đồng Cau (huyện Diên Khánh); thôn đảo Bình Ba (TP. Cam Ranh); xã đảo Trí Nguyên (TP. Nha Trang). Nguồn gốc, các mặt đời sống của người Đàng Hạ hiện vẫn là điều bí ẩn, cho nên cần tổ chức nghiên cứu thêm một cách có hệ thống, để làm cơ sở phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội cho người dân ở đây.


Sự có mặt của người Đàng Hạ trên địa bàn làm phong phú thêm đời sống nhiều mặt trong cộng đồng dân cư Khánh Hòa. Đã tự tin hòa nhập, nhưng người Đàng Hạ vẫn rất cần sự sẻ chia. Bởi, hiện nay, họ đang gặp khó khăn về vốn để nâng công suất tàu thuyền, mua thêm lưới mở rộng sản xuất; làm đường đi lối lại trong xóm; cấp nước sạch; làm nhà vệ sinh trong mỗi gia đình…


PHONG NGUYÊN