Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng như một số địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn làm thiệt hại lớn về tài sản…
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng như một số địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn làm thiệt hại lớn về tài sản… Điều đó cho thấy, người dân cũng như các tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động trong công tác phòng ngừa cháy, nổ.
Ngày 26-10, trao đổi với phóng viên, cán bộ phụ trách kỹ thuật ở phân xưởng chao của Xí nghiệp Chế biến hạt điều xuất khẩu ở xã Diên Phú (huyện Diên Khánh) cho biết, hoạt động của Xí nghiệp vẫn bị ngưng trệ do hệ lụy từ vụ cháy vào ngày 23-10 (báo Khánh Hòa đã đưa tin). Cụ thể, những thiết bị chuyên dụng để vận hành hệ thống tời dầu công nghiệp tại phân xưởng đã bị hư hại, đơn vị đang cử người đi TP. Hồ Chí Minh mua về thay thế. Dự kiến, ít nhất 1 tuần nữa, mọi hoạt động của đơn vị mới có thể vận hành lại…
Trước đó, tối 21-10, tại một nhà dân ở tổ 3 Phước Thành, phường Phước Long (TP. Nha Trang) cũng đã xảy ra vụ hỏa hoạn. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ tài sản của gia đình ông Vũ Văn Hoan đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Theo cơ quan chức năng, nhiều khả năng nguyên nhân cháy xuất phát từ việc sử dụng điện tại gia đình.
Vụ cháy tại gia đình ông Hoan ở phường Phước Long ngày 21-10. |
Đặc biệt, trong 2 ngày 17 và 18-10, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nổ lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, vụ nổ xảy ra tại phân xưởng của Công ty TNHH Thương mại sản xuất phân bón Đặng Huỳnh (TP. Hồ Chí Minh) đã làm 3 người chết, 5 người bị thương và 7 căn nhà lân cận bị sập. Qua rà soát, khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện tại vị trí xảy ra nổ còn khoảng 500kg hóa chất có thể gây nổ bất cứ lúc nào.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong 9 tháng năm 2014, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ cháy, làm 55 người chết, 119 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 1.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy nổ trong thời gian qua tuy có giảm, nhưng số người chết và bị thương lại tăng cao. Điều đó cho thấy tính chất phức tạp của các vụ cháy nổ. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng xác định đa số các vụ cháy nổ liên quan đến điện và sử dụng điện; ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: do bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt và các sự cố về kỹ thuật…
9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 1,7 tỷ đồng. Các vụ cháy xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh tuy không gây thiệt hại lớn so với một số địa phương khác nhưng cho thấy nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn. Vì thế, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, trước hết, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động trong công tác phòng ngừa cháy, nổ. Trong đó, vấn đề bảo đảm an toàn khi sử dụng điện, gas, hóa chất cần được quan tâm. Tại những khu vực chung cư, nhà cao tầng, các hộ dân cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; hiện tượng rò rỉ khí gas… Đối với lực lượng làm công tác quản lý tại các chợ trên địa bàn, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, khu vực thờ cúng; tăng cường công tác kiểm tra vào ban đêm và gần sáng. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần tích cực triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ. Trong đó, chú trọng rà soát, kiểm tra các cơ sở trọng điểm như: trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cơ sở kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy cao; tiến hành phân loại cụ thể theo từng nhóm để có biện pháp quản lý đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu nguy cơ gây cháy nổ.
THÀNH LONG