10:10, 22/10/2014

Để ngư dân tự tin vươn khơi

Lâu nay, ngư dân khai thác hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi ra khơi trên những chiếc tàu vỏ sắt, vỏ composite với các trang thiết bị hiện đại, ngư dân sẽ rất lúng túng. Vì vậy, đào tạo nghề cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết, giúp họ thêm tự tin khi vươn khơi.

Lâu nay, ngư dân khai thác hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi ra khơi trên những chiếc tàu vỏ sắt, vỏ composite với các trang thiết bị hiện đại, ngư dân sẽ rất lúng túng. Vì vậy, đào tạo nghề cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết, giúp họ thêm tự tin khi vươn khơi.


Khánh Hòa hiện có 1.200 tàu khai thác xa bờ (hầu hết là tàu vỏ gỗ), với khoảng 9.600 lao động. Trong số này, số lao động đáp ứng được yêu cầu về trình độ tay nghề rất ít. Ngư dân Nguyễn Văn Phương (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Do chưa được đào tạo các kiến thức cơ bản về sửa chữa máy tàu, cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến hàng hải... nên nhiều ngư dân gặp khó khăn khi xử lý một số tình huống xảy ra trên biển như: máy bị sự cố, nếu đơn giản thì chủ tàu liên lạc với thợ máy ở đất liền để được hướng dẫn khắc phục; máy hỏng nặng thì phải lênh đênh ngoài khơi; nếu không có sự trợ giúp kịp thời của tàu bạn hoặc tàu của lực lượng chức năng thì tính mạng của ngư dân sẽ rất nguy hiểm”.

 

Để vận hành, khai thác hiệu quả những chiếc tàu vỏ sắt, ngư dân cần được đào tạo bài bản.
Để vận hành, khai thác hiệu quả những chiếc tàu vỏ sắt, ngư dân cần được đào tạo bài bản.


Một vấn đề khá bức thiết hiện nay là tổn thất sau khai thác hải sản của ngư dân còn cao (50 - 60%). Điều này khiến giá trị hải sản khai thác được chưa cao, không chỉ làm giảm hiệu quả chuyến biển mà còn gây lãng phí tài nguyên. Nguyên nhân chính của tình trạng này là công nghệ khai thác và công nghệ bảo quản hải sản của ngư dân còn lạc hậu. Ngư dân Trần Phi Long (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương cho biết: “Khi câu được cá ngừ đại dương, chúng tôi thường dùng chày vồ để làm chết cá, rồi bảo quản bằng đá xay chứ không biết cách làm cá chết nhanh, bảo quản bằng những phương pháp hiện đại như ngư dân Nhật Bản. Chính vì công nghệ khai thác, bảo quản còn lạc hậu nên giá cá ngừ đại dương của chúng ta thấp. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng hỗ trợ, tập huấn cho chúng tôi cách khai thác, bảo quản để nâng cao chất lượng cá ”.


Những năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho ngư dân. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, thực hiện đề án đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá, từ năm 2011 đến nay, Chi cục đã tổ chức được 80 lớp đào tạo; đào tạo và cấp chứng chỉ cho 2.620 thuyền trưởng, máy trưởng. Nhiều ngư dân sau khi được đào tạo đã sử dụng thành thạo hải đồ, máy định vị và sửa chữa máy tàu khi tàu bị hỏng, tiết kiệm được nhiên liệu; kéo dài thời gian đánh bắt trên biển... Bên cạnh đó, ngư dân còn nhận thức được về chủ quyền biển, đảo; ứng phó với thiên tai nên tự tin hơn mỗi khi bám biển dài ngày. Ngư dân Trần Minh Trung - thuyền trưởng tàu KH 97227 TS chia sẻ: “Tham gia các khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tôi đã biết thêm nhiều điều bổ ích, hiểu rõ nguyên lý vận hành máy tàu nên có thể sửa chữa khi máy hỏng. Trước đây, ban đêm thấy tàu có 3 đèn giăng thẳng đứng, chúng tôi tưởng tàu chiến của nước ngoài nên vội vàng bỏ chạy; nhưng khi học, biết đó là tín hiệu của tàu lai dắt, nên không bỏ chạy nữa”.


Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, rồi đây không ít ngư dân sẽ đóng mới những con tàu vỏ sắt, vỏ composite với máy móc, trang thiết bị hiện đại, vậy làm sao để họ có thể làm chủ, khai thác hiệu quả những con tàu này? Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa bày tỏ: Trong khi trình độ của ngư dân còn thấp, việc để ngư dân vận hành những con tàu lớn, với trang thiết bị hiện đại sẽ rất khó khăn. “Trước mắt cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân để họ có kiến thức vận hành tàu ra khơi khai thác, có thể sửa chữa một vài hỏng hóc. Về lâu dài phải thu hút được sinh viên, con em ngư dân học chuyên ngành về hàng hải, về khai thác thủy sản... Các trường đào tạo phải có tàu khai thác, đưa sinh viên đi thực tập trên các tàu này để tiếp cận, làm quen dần. Có như vậy mới có thể có được một đội ngũ ngư dân trẻ có trình độ” - ông Lăng nói.


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua công tác đào tạo nghề cho ngư dân được tỉnh hết sức quan tâm. Hàng năm, tỉnh dành nguồn kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá cho ngư dân trên địa bàn; các lớp đào tạo này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, ngành chức năng của tỉnh đã mời Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Đại học Nha Trang), Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang giới thiệu các mẫu tàu, tính năng, cách thức vận hành... của tàu cá vỏ composite, vỏ sắt cho ngư dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các hãng chế tạo máy thủy có uy tín như: Yanmar, Mitshubitshi, Cumins... giới thiệu các tính năng kỹ thuật máy thủy, phương pháp vận hành máy... Ngoài ra, thực hiện đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi, tỉnh còn có kế hoạch hợp tác với Công ty Yanmar của Nhật Bản để tập huấn, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương cho ngư dân.


Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, việc đào tạo nghề cho ngư dân, giúp họ có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là việc hết sức cần thiết, giúp nư dân tự tin khi vươn khơi.


HẢI LĂNG