Triển khai từ năm 2012 đến nay, Đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước" (Đề án 343) đã góp phần giúp phụ nữ tự tin hội nhập, có những đóng góp tích cực trong các phong trào...
Triển khai từ năm 2012 đến nay, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam (PNVN) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” (Đề án 343) đã góp phần giúp phụ nữ tự tin hội nhập, có những đóng góp tích cực trong các phong trào...
Nhiều mô hình câu lạc bộ
Bà Lê Thị Minh Mẫn - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sài (TP. Nha Trang) cho biết, thực hiện Đề án 343 ở cơ sở, năm 2013, Hội đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với 4 chuẩn mực” (tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang) với 45 thành viên tham gia. CLB sinh hoạt theo quý, nội dung xoay quanh các chủ đề về rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ như: “Phụ nữ dịu dàng, duyên dáng, dí dỏm, dẻo dai”, “Tự trọng - phẩm chất tốt đẹp của PNVN”, “Để trở thành người phụ nữ tự tin”… Nhờ sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn nên đến nay, CLB đã thu hút 85 thành viên tham gia. Qua đó, đã có gần 400 phụ nữ trên địa bàn phường được tuyên truyền về các phẩm chất đạo đức của PNVN. “Qua mô hình sinh hoạt CLB, có những hoạt động cụ thể như: thi nấu ăn, múa hát, viết gương về phụ nữ có uy tín trong gia đình, cộng đồng, xây dựng tủ sách, báo nói về phẩm chất phụ nữ. Từ đó, các hội viên dễ học hỏi và có hướng rèn luyện bản thân, sống chuẩn mực hơn” - bà Mẫn nói.
Phụ nữ phường Phương Sài trong hội thi “Bữa ăn gia đình cuối tuần”. |
Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh (phường Phương Sài) chia sẻ: “Tôi làm công nhân, bản tính hay tự ti. Nhờ sinh hoạt với chị em trong hội, tôi đã học hỏi được nhiều điều về rèn luyện phẩm chất phụ nữ từ những việc đơn giản như: học cách chế biến món ăn ngon, nói năng nhỏ nhẹ với chồng con, tranh thủ sự chia sẻ, giúp đỡ của chồng trong việc nhà. Từ đó, tôi nhận thấy không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm hơn. Tôi cũng tự tin hơn trong giao tiếp”.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, từ khi triển khai thực hiện Đề án 343 đến nay, ở các cơ sở hội đã xuất hiện nhiều mô hình CLB sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn, thu hút nhiều hội viên tham gia như: CLB “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, CLB “Phụ nữ thế kỷ XXI”, nhóm “Phụ nữ tự tin”, nhóm “Phụ nữ đảm đang”, nhóm “Phụ nữ tôn giáo tuyên truyền Đề án 343”, nhóm “Phụ nữ tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ qua các làn điệu dân ca”, mô hình “Cán bộ hội phụ nữ tự tin trong công tác hội và đời sống”…
Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Qua quá trình triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh, các hội phụ nữ cơ sở đã có nhiều sáng tạo. Thông qua hình thức sinh hoạt mô hình, CLB, nhóm khá phong phú, các tổ chức hội đã cụ thể hóa và tuyên truyền tốt 4 phẩm chất của người PNVN đến toàn thể hội viên, phụ nữ, phát huy được tính hiệu quả của Đề án 343”.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Trung ương Hội và xuất phát từ thực tế, Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam kỳ họp thứ 10 (khóa X) đã quyết định lựa chọn 4 phẩm chất đạo đức: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ. Ngày 12-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 343. Đến tháng 3-2012, UBND tỉnh có quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 343 trên địa bàn tỉnh. |
Theo kế hoạch đến năm 2015, Đề án 343 trên địa bàn tỉnh phấn đấu có hơn 70% phụ nữ và hơn 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, công nhân, viên chức được tuyên truyền về nội dung Đề án. Bên cạnh đó, hơn 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ngành liên quan đến công tác tuyên truyền... được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức PNVN.
Theo đó, từ năm 2012 đến nay, Hội LHPN tỉnh triển khai đã tổ chức hơn 20 lớp tập huấn cho gần 1.200 cán bộ phụ nữ các xã, phường; gần 40 lớp tập huấn cho hơn 2.300 cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên cơ sở; hơn 80 buổi tuyên truyền cho gần 20.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Các hội thi, nói chuyện chuyên đề, mô hình, CLB đã được các cấp hội tổ chức nhằm tuyên truyền, giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của PNVN. Ngoài ra, các sở: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho gần 1.000 báo cáo viên là giáo viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, cán bộ xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động tại các trường học, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát hành hơn 6.500 tờ rơi cho các đối tượng và 5.000 tờ rơi bằng tiếng Raglai để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh… Tất cả các hoạt động đó đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung, mục tiêu của Đề án 343.
Bà Nguyễn Thị Nhung cho biết, để triển khai thực hiện Đề án 343 có hiệu quả, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục 4 phẩm chất đạo đức của PNVN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên và tuyên truyền ở nhiều cấp độ, đến từng hộ gia đình; coi trọng phương pháp và kỹ năng truyền thông gắn việc phổ biến nội dung với liên hệ thực tiễn. Qua đó, giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ ở cơ sở dễ tiếp thu và rèn luyện tốt hơn.
LƯU KHÁNH