Do địa hình đồi núi dốc chiếm 90% diện tích tự nhiên, hệ thống sông suối chằng chịt… nên công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) luôn được chú trọng.
Do địa hình đồi núi dốc chiếm 90% diện tích tự nhiên, hệ thống sông suối chằng chịt… nên công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), giảm nhẹ thiên tai ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) luôn được chú trọng.
Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện có hàng chục tuyến giao thông quan trọng như: đường Nha Trang - Đà Lạt, Khánh Bình - Ninh Xuân, Tỉnh lộ 2, 8, 8b; nhiều cầu tràn, cầu treo. Ngoài ra, trên địa bàn còn có một số đoạn đường thường ngập sâu trong mùa mưa lũ như: khu vực đèo Sãi Me, Bà Nháp (xã Sông Cầu), thôn Suối Sâu (xã Khánh Đông)... Theo thống kê, toàn huyện có 2 hồ chứa, 17 đập dâng và Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2. Nhiều khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như các thôn: Giang Biên (xã Sơn Thái), Gia Rích (xã Giang Ly), Chà Liên (xã Liên Sang), Đá Bàn (xã Cầu Bà), các tổ dân phố ở thị trấn Khánh Vĩnh; các cầu tràn như: Khánh Thượng, Liên Sang, thị trấn Khánh Vĩnh đi Khánh Nam... Chính vì vậy, công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai được các cấp, ngành chú trọng.
Ông Lê Văn Hoàng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCLB huyện cho biết, đến nay, việc chuẩn bị cho công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão đã cơ bản hoàn tất. Huyện đã triển khai và kiểm tra phương án PCLB, giảm nhẹ thiên tai ngay từ tháng 7; tiến hành phân công thành viên, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án cho các khu vực nguy hiểm, có thể đe dọa sự an toàn về người và tài sản.
Hiện tượng sạt lở bờ sông thôn Suối Sâu, xã Khánh Đông. |
Huyện đã chủ động mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCLB. Ngành Y tế đã chuẩn bị 19 cơ số thuốc dự phòng gồm: các thuốc cấp cứu, sốt rét và thuốc khử trùng nguồn nước; đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế đề phòng khi lũ lụt kéo dài. Trung tâm Thương mại huyện tạm ứng trước 900 triệu đồng chủ động mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm dự phòng cung cấp cho các khu vực bị ảnh hưởng của bão lụt với gần 54.000 tấn gạo, 1.823 lít dầu lửa, gần 36.000 gói mì... |
Điểm mới trong công tác PCLB năm nay là huyện chủ động mời các đơn vị liên quan của tỉnh tham gia Ban chỉ huy PCLB huyện nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Theo đó, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Khánh Hòa (đơn vị quản lý tuyến Cầu Lùng - Khánh Lê) đã yêu cầu 10 hạt quản lý cầu đường trên toàn tuyến chủ động rà soát và bổ sung vật tư dự phòng trước mùa mưa bão. Các hạt kiểm tra, rà soát toàn bộ tình trạng cầu, đường, đặc biệt chú ý công trình thoát nước, các vị trí thường sạt lở, có phương án thay thế khi tuyến đường bị ngập, tắc nghẽn giao thông... Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang đã lập kế hoạch triển khai phương án chủ động đối phó với mưa bão; phân công lực lượng trực; thường xuyên kiểm tra kho tàng, khu nhà ở, khu lắp đặt thiết bị trong nhà máy, đường vận hành, đường thi công, hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước; chuẩn bị tốt nhất vật tư, thiết bị, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”...
Theo kế hoạch, khi có bão lũ xảy ra, các xã, thị trấn chủ động sơ tán dân đến các khu đồi, nhà dân, trường học, nhà cộng đồng xây dựng kiên cố... Lực lượng tham gia ứng cứu là thanh niên xung kích, công an, xã đội và sự hỗ trợ của người dân. Lực lượng của huyện có 1 trung đội dân quân; mỗi xã, thị trấn 1 trung đội dân quân, lúc khẩn cấp sẽ huy động tiếp viện từ 2 đại đội dự bị động viên của huyện. Ngoài ra, còn có sự tiếp ứng của các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh... Ông Lê Xuân Thắng - Xã đội trưởng xã Khánh Đông cho biết, xã đã triển khai xong phương án PCLB. Trên địa bàn, khu vực thôn Suối Sâu thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt nên xã đã có phương án chủ động đối phó. Khi ngập lụt, xã huy động lực lượng dân quân, thanh niên xung kích giúp người dân sơ tán. Điều đáng lo nhất hiện nay là tại khu vực ven sông thuộc thôn Suối Sâu xuất hiện vết sạt lở dài hàng trăm mét, đang đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực, nếu xây kè sẽ tốn kinh phí rất lớn. Vì vậy, xã đề nghị huyện nắn dòng chảy để giảm bớt sự xâm thực.
Hy vọng, với phương án cụ thể đã đề ra, huyện Khánh Vĩnh sẽ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay.
V.L