Nhân kỷ niệm 53 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2014), phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Trần Quang Tuyến - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh xung quanh vấn đề này.
Nhân kỷ niệm 53 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2014), phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Trần Quang Tuyến - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh có những hoạt động gì trong dịp này?
- Năm nay, Hội không tổ chức những sự kiện lớn mà chủ yếu phát động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; vận động các địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình các nạn nhân vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân để hiểu rõ hơn tính chất độc hại và nguy hiểm của chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam; hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc “nói không với vũ khí hóa học”, tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam để buộc những công ty sản xuất hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân CĐDC ở Việt Nam và có trách nhiệm làm sạch môi trường sinh thái ở những nơi tồn đọng chất độc dioxin.
Đồng thời, chúng tôi vận động, kêu gọi toàn thể người dân hưởng ứng kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam từ nay đến năm 2015 và hướng tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Phát huy truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân”, cộng đồng xã hội hãy ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất để cùng nhau chia sẻ nỗi đau da cam, tạo cho họ có điều kiện hòa nhập với cộng đồng.
- Ông có thể cho biết đôi nét về tình hình đời sống hiện nay của các nạn nhân bị nhiễm CĐDC trên địa bàn tỉnh?
- Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương luôn chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất cho gia đình các nạn nhân. Nói chung, họ đã phần nào vơi bớt được khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc sống một số gia đình ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn còn nhiều khó khăn, vất vả. Các gia đình có 2 nạn nhân trở lên bị dị dạng, dị tật hoặc bại não, thần kinh... vẫn luôn cần sự chia sẻ của cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, số người bị phơi nhiễm CĐDC trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng trợ cấp còn nhiều. Phần lớn là dân thường hoặc chưa phát hiện bệnh trầm trọng, họ đang rất lo lắng. Chúng tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương có những chính sách hợp lý để động viên, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng. Các ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai đồng bộ, sâu rộng các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến gia đình có các nạn nhân CĐDC nhưng chưa được hưởng chế độ...
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)