Đã bước vào mùa mưa, nhưng người dân xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt bởi hệ thống nước tự chảy ở đây không phát huy hiệu quả.
Đã bước vào mùa mưa, nhưng người dân xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt bởi hệ thống nước tự chảy ở đây không phát huy hiệu quả.
Đến xã Khánh Thượng, chúng tôi bắt gặp ông Pi Năng Liễng - Trưởng thôn Suối Cát đang hí hoáy khơi thông dòng nước vào hệ thống nước tự chảy của xã. Hỏi chuyện, ông cho biết, hệ thống nước tự chảy này được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2003; đến năm 2005, vị trí đầu nguồn của hệ thống bị sạt lở nặng gây hư hỏng đến đường ống. Năm 2009, nhờ nguồn kinh phí của Chương trình Y tế Hà Lan, hệ thống nước tự chảy này được khắc phục với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn nước chảy vào hệ thống yếu, lại thường xuyên bị cát bồi lấp nên lượng nước không đủ cung cấp cho người dân sử dụng. Muốn có nước dùng, hàng ngày, người dân phải thay nhau lên đầu nguồn để khơi thông lượng cát bồi lấp, nhưng cũng chỉ được một lúc. và nước từ hệ thống này cũng chỉ đủ cung cấp cho những gia đình ở đầu nguồn hoặc ở vị trí thấp. “Tuy có hệ thống nước tự chảy nhưng người dân vẫn không có nước dùng. Hồi mới đầu tư xây dựng công trình này, người dân đã đề nghị chuyển qua lấy nước ở dòng suối Dầu để vừa rút ngắn khoảng cách, vừa tránh sạt lở, nhưng cơ quan chức năng không nghe...”, ông Pi Năng Liễng ngán ngẩm.
Ông Pi Năng Liễng khơi thông dòng vào hệ thống nước tự chảy. |
Để hiểu rõ hơn về chuyện thiếu nước ở xã Khánh Thượng, chúng tôi đến một số hộ dân. Tại nhà chị Pi Năng Thị Sim (thôn Suối Cát), chúng tôi thấy chị đang cố hứng những giọt nước từ đường ống của công trình nước tự chảy. Chị Sim cho biết: “Tôi chờ gần 1 giờ mà nước vẫn chưa được nửa xô”. Được biết, nhà chị Sim có 10 người, mỗi ngày, gia đình phải ra suối Dầu cách nhà khoảng 300m lấy nước về sử dụng vào việc tắm giặt, ăn uống.
Tương tự như nhà chị Sim, nhà anh Pi Năng Hoa (thôn Đa Râm) có 7 người, hàng ngày cũng phải thay nhau đi lấy nước về dùng. Theo anh Hoa, hầu như hộ nào ở trong thôn cũng phải đi lấy nước suối Dầu về dùng, chỉ có một vài hộ kinh tế khá giả mới đào giếng. Tuy nhiên, người dân cũng không biết nguồn nước suối Dầu có hợp vệ sinh hay không. “Ra suối thấy người giặt quần áo, rửa nông sản, người lại lấy nước về dùng nên chất lượng nước cũng chẳng biết thế nào”, anh Hoa băn khoăn.
Hiện tại, tuy hệ thống nước tự chảy ở hai thôn Suối Cát và Đa Râm chưa bị hư hỏng, nhưng do nguồn nước cung cấp không đủ nên hệ thống chưa phát huy được hiệu quả. Các vòi nước dẫn về hộ dân luôn trong tình trạng thiếu nước. Từ 5 năm nay, hơn 305 hộ dân ở hai thôn này sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước đây, họ nhờ vào nguồn nước sông Cái; nhưng từ hơn 1 năm qua, tình trạng khai thác quặng trái phép ở khu vực rừng đầu nguồn Khánh Thượng đã làm nguồn nước sông bị đục, ô nhiễm. Người dân chỉ cần lội qua sông là bị mẩn ngứa nên không ai dám ra đây lấy nước về dùng hay tắm rửa.
Trao đổi với ông Pi Năng Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, chúng tôi được biết, toàn xã có 4 thôn với 508 nhân khẩu. Trong đó, số hộ có nhu cầu sử dụng nước tự chảy 499 hộ, nhưng trên thực tế mới chỉ có khoảng hơn 20% có nước sử dụng. Xã có 2 hệ thống nước tự chảy, 1 hệ thống dẫn nước về thôn Suối Cát và thôn Đa Râm, 1 hệ thống về thôn Tà Gộc. Hơn 1 năm qua, nhờ nguồn vốn đầu tư của tỉnh và xã nên 113 hộ dân ở thôn Tà Gộc đã có nước tự chảy sử dụng; còn 90 hộ dân ở thôn Trang vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống nước tự chảy của xã Giang Ly, nhưng hiện nay, người dân trong thôn cũng không có nước sử dụng. Còn với 305 hộ dân ở thôn Suối Cát và thôn Đa Râm, công trình nước tự chảy không thể cung cấp nước cho người dân sử dụng. “Thời gian qua, xã đã cố gắng đề xuất, huy động các nguồn lực để đầu tư công trình nước sinh hoạt, nhưng cũng chỉ mới giải quyết được cho 1 thôn. Hiện tại, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân 3 thôn còn lại là vấn đề cấp bách khi nước sông Cái không thể sử dụng được do chịu tác động từ nạn khai thác lâm - khoáng sản đầu nguồn. Theo chỉ đạo của UBND huyện, xã đã có kế hoạch đầu tư sửa chữa hệ thống nước tự chảy trong năm 2015”, ông Pi Năng Thảo nói.
Đi thực tế, chúng tôi thấu hiểu được phần nào nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt của người dân xã Khánh Thượng, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Và càng thấy tiếc cho một công trình phục vụ dân sinh như hệ thống nước tự chảy cung cấp cho hai thôn Đa Râm và Suối Cát với nguồn kinh phí đầu tư lên đến tiền tỷ nhưng không phát huy hiệu quả. Mong rằng, năm 2015, xã bố trí được kinh phí để khôi phục hệ thống nước tự chảy nhằm giúp đời sống của người dân bớt khó khăn.
Nhân Tâm - Bích La