09:08, 04/08/2014

Triển khai Dự án Chăm sóc sức khỏe năm 2014

Được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Trung ương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa tiếp nhận Dự án Chăm sóc sức khỏe năm 2014. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Trần Nguyên Lượng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết:

Được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Trung ương, Hội CTĐ tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp nhận Dự án Chăm sóc sức khỏe năm 2014. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Trần Nguyên Lượng - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết:


- Mục tiêu của dự án nhằm thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) và sốt rét (SR) của người dân trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc SXH cao trong khu vực miền Trung. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, để góp phần cùng ngành Y tế làm thay đổi hành vi của người dân trong công tác này, Hội CTĐ tỉnh vừa được Hội CTĐ Trung ương chuyển giao dự án Chăm sóc sức khỏe năm 2014 với mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực của người dân và học sinh THCS trong công tác phòng, chống SXH, SR và năng lực ứng phó khẩn cấp bệnh dịch của cán bộ, hội viên và tình nguyện viên CTĐ các cấp. Dự án do Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ với kinh phí khoảng 1,65 tỷ đồng.


- Ông có thể cho biết các nội dung hoạt động cụ thể của dự án?

 


- Dự án được triển khai từ nay đến cuối năm 2014. Về phòng, chống SXH sẽ có 8 phường ở TP. Nha Trang được chọn để triển khai; phòng, chống SR sẽ triển khai tại 3 xã ở huyện Khánh Sơn. Hoạt động của dự án sẽ tập trung vào các nội dung: cấp phát khoảng 5.300 tờ rơi, tranh lật, poster truyền thông về phòng, chống SXH, SR; cấp 1.500 mùng cho người dân; tuyển chọn tình nguyện viên và giáo viên tham gia chương trình; tổ chức tập huấn về kỹ năng lập kế hoạch, giám sát, truyền thông thay đổi hành vi... cho đội ngũ này. Ngoài ra, sẽ tổ chức truyền thông trực tiếp tại hơn 3.200 hộ gia đình; truyền thông cho 100% học sinh các trường THCS ở các địa bàn được chọn triển khai. Song song đó, tổ chức các buổi dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.


- Trước đó, ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp tương tự nhưng hiệu quả không cao. Vậy dự án có hoạt động gì mới và thiết thực hơn, thưa ông?


- Để dự án triển khai đạt hiệu quả cao, chúng tôi giao mỗi tình nguyện viên phụ trách 20 hộ gia đình. Nhiệm vụ của tình nguyện viên là tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình thực hành vệ sinh và các biện pháp phòng, chống 2 căn bệnh trên; giám sát thay đổi hành vi của hộ gia đình. Hàng tháng, Hội CTĐ phường, tình nguyện viên tổ chức các buổi diệt lăng quăng tại cộng đồng với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể địa phương và người dân. Tại trường học, giáo viên tổ chức truyền thông thay đổi hành vi cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: thảo luận nhóm, kết hợp với trò chơi, đóng kịch, thi vẽ tranh với chủ đề phòng, chống SXH, SR...


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)