Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Trí Viên, Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa khẳng định: "Đạo Phật kêu gọi không rải giấy vàng bạc, đốt đồ mã". Nhiều bạn đọc ngỏ ý mong muốn được thông tin thêm về nguồn gốc của tục lệ này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với Hòa thượng Thích Trí Viên về câu chuyện này.
L.T.S: Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Trí Viên, Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Đạo Phật kêu gọi không rải giấy vàng bạc, đốt đồ mã”. Nhiều bạn đọc ngỏ ý mong muốn được thông tin thêm về nguồn gốc của tục lệ này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với Hòa thượng Thích Trí Viên về câu chuyện này.
- Thưa Hòa thượng, xin cho biết nguồn gốc tục lệ rải vàng bạc, đốt đồ mã?
- Việc rải giấy vàng bạc, đốt đồ mã, chúng ta biết rõ nó xuất phát từ Trung Quốc. Hơn một ngàn năm bị đô hộ, sinh hoạt của người Việt Nam chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc rất nhiều.
Theo sách Trực ngôn cảnh giáo, năm Văn Công thứ 4, vua Tấn Mục Công, tên là Khắc Nhâm băng hà. Ba anh em họ Tử Xa được vua yêu thương nên bị chôn theo. Nhân dân trong nước thấy vậy rất thương tiếc nên nghĩ ra phương cách tìm vật khác để thay thế, vật ấy được dùng bằng cỏ, bằng gỗ.
Đến đời hậu Hán, vua Hòa Đế, hiệu Hưng Nguyên, năm 105 sau công nguyên, có ông Thái Luân chế ra giấy tiền bạc, để thay thế cho vàng bạc thật chôn theo người chết cũng vì mục đích để tránh trường hợp bị quật mồ lấy của báu.
Vào đời Đường, vua Huyền Tôn Khai Nguyên thứ 26, năm 737 sau công nguyên tin theo thuật quỷ thần nên sai Vương Dư, trông coi việc cúng tế, phải có giấy tiền bạc, tôi tớ, vợ hầu, con cái, xe cộ, quần áo, lục súc… đốt khi cúng tế, để o bế thần linh. Từ ấy, người Tàu chuộng dùng đồ mã. Bấy giờ, Phật giáo đang thịnh hành. Nhân ngày Rằm tháng Bảy, có một đạo sĩ tên là Đạo Tạng vào yết kiến vua Đường Đại Tông, tâu rằng: “Hạ thần được tin rằng ngày Rằm tháng Bảy, Diêm Vương sẽ mở cửa xét tội phước cho tội nhân. Mong nhà vua thông xuất cho người dân phải đốt giấy vàng bạc, đồ mã để cúng họ trong ngày ấy”. Vua Đại Tông muốn được lòng ông Đạo Tạng và một số dân chúng mê tín dị đoan nên thuận ý nghe theo. Tuy nhiên, vào lúc đó, có rất nhiều chư tăng ni, quần chúng, nhất là giới trí thức cực lực phản đối.
- Qua câu chuyện này, Hòa thượng có gửi gắm điều gì đến bạn đọc Báo Khánh Hòa?
- Chúng tôi xin khẳng định thêm một lần nữa, việc đốt giấy vàng bạc, đồ mã không phải là chính nghĩa, chánh pháp; Phật giáo không chủ trương, không khuyến khích. Ngay cả đạo Nho, phát sinh từ Trung Quốc, cũng không chấp nhận việc rải giấy vàng bạc, đốt đồ mã khi có tang lễ.
Qua cung cấp một vài tư liệu và đóng góp thêm ý kiến, chúng tôi mong muốn bà con hãy vì nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam mà từ bỏ những thói quen, việc làm không thích hợp như vậy.
Tiền tài thay vì dùng vào việc ấy, nên đem ủng hộ quỹ khuyến học; cứu giúp người bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, neo đơn… Làm được những điều ấy, phước đức của quý vị sẽ lớn thêm lên nhiều lắm!
- Xin cảm ơn Hòa thượng!
PHONG NGUYÊN (Thực hiện)