Thời gian qua, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi, các cơ quan và lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, qua đó góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thời gian qua, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi, các cơ quan và lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, qua đó góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Kết quả đạt được
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh đã tổ chức 4.590 lượt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân, phát hiện 1.312 vụ vi phạm. Trong đó, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu 311 vụ; gian lận thương mại 47 vụ; hàng giả 10 vụ; vi phạm các chế độ đăng ký, điều kiện kinh doanh 944 vụ. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 79 vụ vi phạm về vận chuyển kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thu phạt hành chính số tiền trên 272 triệu đồng; xử lý tịch thu 5.130 gói thuốc lá nhập lậu các loại.
Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy thuốc lá lậu. |
Chi cục cũng đã chủ trì và phối hợp thực hiện 2.515 lượt kiểm tra về chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, phân bón, rượu, thuốc lá... phát hiện 227 vụ vi phạm, xử lý hành chính 224 vụ, thu nộp ngân sách trên 796 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số lượt thanh tra, kiểm tra do các lực lượng chức năng thực hiện tăng 113 lượt, số vụ vi phạm tăng 45 vụ với tỷ lệ tương ứng trên 3,5%, số thu nộp ngân sách tăng 19,249 tỷ đồng với tỷ lệ tương ứng trên 179%. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số vụ vi phạm tăng so với cùng kỳ, riêng số thu nộp ngân sách tăng chủ yếu do xử lý truy thu thuế.
Đạt được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện các khâu từ sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ hàng hóa, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh. Nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai quyết liệt. Hoạt động thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế sự chồng chéo, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, ổn định.
Diễn biến phức tạp
Khánh Hòa không phải là điểm nóng về hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, kể cả những mặt hàng có thuế suất nhập khẩu cao như bia, rượu, thuốc lá do không có đường biên giới trên bộ. Tuy nhiên, Khánh Hòa lại là địa bàn tiêu thụ và nằm trên tuyến vận chuyển chính của các loại hàng cấm, hàng nhập lậu cho các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên. Qua xử lý các vụ vi phạm cho thấy, các đối tượng tham gia hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thường là cư dân ngoài địa phương, sử dụng các phương tiện vận tải đường dài để vận chuyển hàng hóa. Những đối tượng này luôn có các thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, kiểm soát như: Nắm bắt quy luật hoạt động của các cơ quan kiểm tra, thay đổi biển số xe, phân tán hàng hóa để vận chuyển vào ban đêm, ngày nghỉ nên rất khó bị phát hiện.
Hiện nay, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán các mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh tuy không diễn ra công khai như trước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao từ kinh doanh thuốc lá lậu. Một số điểm bán lẻ như tủ, xe thuốc lá, cơ sở kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát vẫn lén lút tiêu thụ thuốc lá điếu nhập lậu. Lực lượng chức năng đã tăng cường và đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát nhưng do lực lượng mỏng nên kết quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các đối tượng dùng thủ đoạn cất giấu hàng hóa trong khu vực nhà ở và việc xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng buôn bán hàng cấm nhỏ lẻ còn nhiều vướng mắc trong trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Riêng tuyến đường sắt, đường không và bưu điện do tính chất đặc thù của hoạt động vận chuyển hàng hóa nên công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu đối với mặt hàng rượu bia, thuốc lá điếu còn hạn chế.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Để tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia mới đây, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh cho biết, thời gian tới, BCĐ 389 tỉnh sẽ được sắp xếp kiện toàn lại và tăng cường hoạt động nhằm kiên quyết đấu tranh chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Song song đó, Ban sẽ tăng cường công tác dự báo, nắm bắt thông tin, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá điếu nhập lậu...
Theo ông Trần Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong là điểm nhập, tạm nhập tái xuất xăng dầu dung lượng lớn nên Cục Hải quan tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, kịp thời trao đổi thông tin với các địa phương nhằm quản lý chặt khối lượng hàng tạm nhập tái xuất xăng dầu, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận. Ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiến nghị các bộ liên quan sớm có văn bản quy định việc ghi nhãn đối với hàng hóa nhập lậu bị tịch thu bán đấu giá, tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, tránh việc lợi dụng hóa đơn bán hàng tịch thu để hợp thức hóa hàng nhập lậu, hàng giả.
Hương Quỳnh