10:08, 06/08/2014

Chốt phương án tăng lương tối thiểu lên mức 3,1 triệu đồng

Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chính thức "chốt" vào ngày 6-8, ở mức 15%.

Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chính thức “chốt” vào ngày 6-8, ở mức 15%.  


Kết thúc phiên họp sáng 6-8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 là 15% (tương đương 300.000 - 400.000 tùy từng vùng).


Sau cuộc họp này, phương án tăng lương tối thiểu vùng sẽ được trình Chính phủ xem xét, quyết định và công bố mức lương tối thiểu năm 2015 vào ngày 1-10 tới đây và được áp dụng từ 1-1-2015.


Đáng chú ý, thay vì đồng ý tăng ở mức 23% như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chọn phương án tăng đúng bằng mức đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 

Việc tăng lương nhằm cải thiện đời sống cho người lao động.
Việc tăng lương nhằm cải thiện đời sống cho người lao động.


Hội đồng Tiền lương quốc gia có sự tham gia của 3 cơ quan, tổ chức, bao gồm Tổng LĐLĐ - đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), VCCI - đại diện tổ chức sử dụng NLĐ, và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) - đại diện cơ quan quản lý. Trong đó, có sự khác biệt khá lớn giữa VCCI và Tổng LĐLĐ về đề xuất mức tăng lương tối thiểu.


Cụ thể, phía Tổng LĐLĐ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng theo phương án: vùng 1 tăng từ 2.700.000 đồng lên 3.200.000 đồng, vùng 2 tăng từ 2.400.000 đồng lên 2.850.000 đồng, vùng 3 tăng từ 2.100.000 đồng lên 2.520.000 đồng, vùng 4 tăng từ 1.900.000 đồng lên 2.300.000 đồng.


Trong khi đó, VCCI lại đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng 2015 thấp hơn 100.000 đồng so với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam.


Cụ thể, vùng 1 tăng từ 2.700.000 đồng lên 3.100.000 đồng, vùng 2 tăng từ 2.400.000 đồng lên 2.750.000 đồng, vùng 3 tăng từ 2.100.000 đồng lên 2.420.000 đồng, vùng 4 tăng từ 1.900.000 đồng lên 2.200.000 đồng.


Sau khi thảo luận, các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 300.000 - 400.000 đồng tùy theo vùng, đúng bằng với mức đề xuất của VCCI.


Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, đây chỉ là kết quả tư vấn của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, còn quyết định cuối cùng về mức lương tối thiểu vùng 2015 sẽ do Thủ tướng quyết định.


Cũng chính vì mức tăng trên mới chỉ là đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nên theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, trong quá trình báo cáo Chính phủ, Tổng LĐLĐ sẽ tiếp tục có đề xuất trình Thủ tướng, với hy vọng đạt được mức lương tối thiểu như cơ quan này đã đưa ra trước đó, tức tăng lên mức 23%.


Trước đó, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, cần phải tăng lương tối thiểu lên 23% vì lương hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ, thì theo VCCI, lương tối thiểu chỉ nên tăng theo lộ trình, tăng ở mức thích hợp vì hầu hết các doanh nghiệp (DN) hiện mới trải qua giai đoạn khó khăn, đang trên đà hồi phục, nếu tăng lương cao quá sẽ khiến DN tiếp tục khó khăn, đứng trước nguy cơ đóng cửa, thu hẹp sản xuất.


Trả lời báo chí về mức tăng này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù tăng bất kỳ một phần trăm nhỏ nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các DN trong tình hình hiện nay nhưng là việc làm cần thiết. Nói về khó khăn đối với DN khi tăng lương trong tình hình hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, gánh nặng cho DN sẽ tăng lên và điều này không chỉ ảnh hưởng tới người đang có việc làm mà cả 1,6-1,7 triệu lao động hàng năm bước vào tuổi lao động cũng có nguy cơ không có việc làm.


Chính từ những khó khăn này, Chính phủ cần có một loạt các biện pháp trợ giúp DN. Cần các biện pháp yểm trợ cho DN để họ thực hiện được yêu cầu tăng lương, giải quyết đời sống cho NLĐ. Đồng thời với đó là  nâng cao tay nghề, năng suất lao động... Lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ là thuộc về DN. Nếu quá khó khăn, DN đang hoạt động phải đóng cửa, giải thể, còn DN mới thì không vào được; nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ rất cân nhắc khi đầu tư... tất cả những điều đó sẽ giảm tốc độ thành lập, phát triển DN. Khi giảm rồi thì công ăn việc làm rất khó khăn. “Chính mục tiêu tạo ra công ăn việc làm lúc này mới là quan trọng nhất” - ông Vũ Tiến Lộc nhắc lại.


Việc tăng lương, theo ông Lộc, cần có lộ trình, nhưng quan trọng nhất “phải căn cứ vào sức chịu đựng của DN trong bối cảnh hiện nay để hướng tới mục tiêu công ăn việc làm”. Nhưng cốt yếu nhất lúc này là cần có biện pháp để hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả, nâng cao cạnh tranh. Vì yêu cầu công ăn việc làm là số 1 và làm sao môi trường kinh doanh phải hấp dẫn để nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có thể đầu tư làm ăn. Trong lúc này, NLĐ và DN phải chia sẻ trách nhiệm, hy sinh một phần lợi ích để thúc đẩy đầu tư, sản xuất. Chúng ta đang là một nền kinh tế dựa trên lợi thế về lao động rẻ. Từ lao động rẻ chuyển sang lao động chất lượng, có giá trị gia tăng cao, tiền lương cao thì phải có quá trình.


“Việc tăng lương là cần thiết nhưng quan trọng là mình phải có căn cứ chính xác. So với các nước, tiền lương ở Việt Nam vẫn tương đối thấp nên dần dần phải nâng cao để cải thiện đời sống cho NLĐ. Vấn đề là phải căn cứ vào lạm phát, tăng năng suất lao động. Còn mức độ cải thiện tiền lương, mỗi năm tăng khoảng 10% thì cũng là hợp lý. Với tốc độ như vậy thì 10 năm sau lương của công nhân mới tăng gấp đôi và khi năng suất lao động tăng thì đương nhiên NLĐ phải được hưởng” - ông Lộc khẳng định.


T.A (Tổng hợp)