Gần một năm nay, Câu lạc bộ "Khi mẹ vắng nhà" của Hội Phụ nữ xã Diên An (Diên Khánh) đã trở thành nơi sinh hoạt bổ ích của các thành viên có người thân làm nghề giúp việc gia đình.
Gần một năm nay, Câu lạc bộ (CLB) “Khi mẹ vắng nhà” của Hội Phụ nữ xã Diên An (Diên Khánh, Khánh Hòa) đã trở thành nơi sinh hoạt bổ ích của các thành viên có người thân làm nghề giúp việc gia đình (GVGĐ).
Điểm đến của thân nhân người giúp việc
Tháng 11-2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), Hội Phụ nữ xã Diên An thành lập CLB “Khi mẹ vắng nhà”. CLB có 30 thành viên, là người thân của những người làm nghề GVGĐ. CLB sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần vào buổi tối. Thông qua các hình thức như: hái hoa dân chủ, văn nghệ, hỏi đáp kiến thức..., CLB đã cung cấp cho người GVGĐ những kiến thức về kỹ năng, đạo đức nghề GVGĐ; kỹ năng phòng một số bệnh thường gặp ở trẻ em, người cao tuổi, chăm sóc trẻ khuyết tật; giao tiếp ứng xử và tự bảo vệ mình; đặc biệt là kiến thức về bảo vệ quyền và lợi ích cho người GVGĐ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người thân của người làm nghề GVGĐ để họ hiểu biết và chăm sóc gia đình tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Bức (60 tuổi, ở thôn 3 xã Diên An), thành viên CLB “Khi mẹ vắng nhà” chia sẻ: “Tôi làm nghề GVGĐ đã được 10 năm, con gái tôi cũng theo nghề này. Tôi tham gia sinh hoạt CLB gần 1 năm nay. Qua các buổi sinh hoạt, tôi mới hiểu nghề GVGĐ không thấp kém như mình nghĩ và muốn làm tốt thì cũng cần phải học hỏi nhiều. Những kiến thức mà tôi có được từ các buổi sinh hoạt đã giúp tôi làm tốt công việc hơn. Từ đó, người thuê tôi đi làm cũng nhiều hơn”.
Một buổi tập huấn pháp luật về lao động giúp việc gia đình do GFCD tổ chức tại Diên An. |
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên An cho biết, Diên An hiện có khoảng 50 chị theo nghề này. Vì thế, GFCD và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chọn Diên An là nơi để thành lập CLB. Khi mới thành lập, CLB gặp nhiều khó khăn, vì để tập hợp được người thân của người GVGĐ rất khó (đa phần họ có gia cảnh khó khăn, bận đi làm). Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vận động của tổ chức hội, đến nay CLB đã duy trì sinh hoạt đều đặn, là điểm đến của nhiều người thân của người GVGĐ trên địa bàn xã.
Sự cần thiết
Các kết quả nghiên cứu về lao động GVGĐ ở Việt Nam trong thời gian qua đã chỉ ra rằng: Lao động GVGĐ đa số là nữ, có trình độ học vấn thấp, hầu hết không có hợp đồng lao động, không được mua bảo hiểm y tế và đặc biệt không có bảo hiểm xã hội. Tình trạng phải làm việc không đúng với thỏa thuận ban đầu, thời gian làm việc kéo dài... vẫn diễn ra ở một bộ phận người lao động GVGĐ. Đối với người sử dụng lao động, ngay cả khi có những điểm chưa hài lòng về người GVGĐ như thiếu kỹ năng nghề nghiệp, không gắn bó với công việc... họ vẫn thuê người GVGĐ. Điều đó cho thấy, nghề giúp GVGĐ có một giá trị nhất định đối với cả người lao động và người sử dụng lao động.
Chính vì vậy, với mục đích hỗ trợ những phụ nữ làm nghề GVGĐ và người thân của họ, từ năm 2011, Tổ chức Oxfam Lovib và GFCD đã triển khai Dự án “Bảo vệ quyền lợi của người GVGĐ ở Việt Nam”. Dự án triển khai tại 5 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có Khánh Hòa. CLB “Khi mẹ vắng nhà” ở Diên An là một trong những hoạt động của Dự án.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn xã, ngoài CLB “Khi mẹ vắng nhà”, từ năm 2011, Hội còn xây dựng một nhóm phụ nữ GVGĐ với 15 thành viên tham gia, sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. Theo bà Nga, phần lớn những người làm nghề GVGĐ và người thân của họ nhận thức còn hạn chế nên khi làm nghề dù có bị người thuê o ép cũng âm thầm chịu đựng, chưa có phản ứng rõ nét vì họ vẫn còn quan niệm GVGĐ là nghề thấp kém. Bên cạnh đó, nhận thức, quan niệm nhìn nhận đánh giá của cộng đồng về nghề GVGĐ cũng chưa thật đúng và cởi mở. Vì thế, thông qua CLB và nhóm phụ nữ GVGĐ, Hội nắm bắt được hoàn cảnh của từng gia đình thành viên. Nếu họ gặp khó khăn trong nghề, có yêu cầu giúp đỡ, Hội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương có những can thiệp, hỗ trợ kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người GVGĐ theo quy định tại Nghị định số 27/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người GVGĐ.
Nghề GVGĐ đang ngày một phát triển không chỉ ở Diên An mà còn ở nhiều địa phương khác. Vì thế, sự ra đời của CLB “Khi mẹ vắng nhà” là rất cần thiết. Đây chính là đầu mối để thông qua đó, tổ chức Hội Phụ nữ cũng như các cơ quan chức năng nắm bắt được những bất cập phát sinh trong nghề này; đồng thời có những hỗ trợ pháp lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người GVGĐ. Bên cạnh đó, sinh hoạt trong CLB còn giúp bản thân chị em phụ nữ, cấp ủy, chính quyền địa phương nhìn nhận đúng hơn về nghề GVGĐ, từ đó tạo điều kiện cho những người làm nghề này có thêm kiến thức, kỹ năng để làm nghề tốt hơn.
LƯU KHÁNH