Những năm gần đây, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã sửa chữa, xây mới nhiều chiếc cầu treo dân sinh nhằm đảm bảo cho người dân đi lại được an toàn. Tuy vậy hiện vẫn còn nhiều cầu phải sửa chữa.
Những năm gần đây, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã sửa chữa, xây mới nhiều chiếc cầu treo dân sinh nhằm đảm bảo cho người dân đi lại được an toàn. Tuy vậy hiện vẫn còn nhiều cầu phải sửa chữa.
Tại công trình xây cầu treo Suối Ốc (thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông), công nhân của Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng cơ bản Việt Ngân (huyện Diên Khánh) đang tất bật thi công. Ông Nguyễn Văn Minh - phụ trách thi công cho biết, đơn vị đang cố gắng hoàn thành cầu vào tháng 9 để kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay. Mỗi ngày, đơn vị huy động hơn 10 công nhân và nhiều phương tiện làm việc liên tục... Ở phía bên phải công trình, chúng tôi thấy một chiếc cầu tạm do người dân tự làm để đi vào khu dân cư, đã bị hư hỏng nặng. Một người dân cho biết, chiếc cầu gỗ này đã không còn sử dụng được trong đợt mưa lớn tháng trước. Người dân đang trông chờ chiếc cầu treo xây mới.
Cầu treo Suối Mây (thôn Suối Thơm) cũng vừa được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Bà Cao Thị Hoa (người dân tộc Raglai) chia sẻ: “Trước khi cầu treo được sửa lại, mỗi lần qua cầu, chúng tôi rất lo sợ bởi từng thanh ván cũ cứ muốn rơi ra. Bây giờ, đi xe gắn máy hoặc gồng gánh qua cầu, tôi không còn sợ nữa...”. Khu vực Suối Mây có khoảng 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Công trình cầu treo vừa được sửa chữa đã đem lại niềm vui cho người dân nơi đây.
Cầu treo thôn Ba Cẳng đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản. |
Ông Nguyễn Duy Thiệu - Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho hay, 2 công trình cầu treo Suối Ốc (bao gồm cả đường) có vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng và cầu treo Suối Mây đầu tư 900 triệu đồng đã góp phần bảo đảm đi lại an toàn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có cầu, người dân đi lại an tâm, không còn lo sợ như trước. Trước đây, do nhu cầu đi lại, người dân tự làm cầu tạm để đi qua suối nhưng chất lượng không bảo đảm. Vì vậy, trước mỗi mùa mưa lũ, xã vẫn thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, nếu cảm thấy không an toàn thì cấm người dân đi qua các cây cầu này.
Tại xã Khánh Hiệp, cầu treo thôn Ba Cẳng được huyện đầu tư và đưa vào sử dụng cách đây vài năm đã phát huy tác dụng. Đây là chiếc cầu treo phục vụ việc đi lại và vận chuyển nông sản của khu vực sản xuất thuộc 2 thôn Ba Cẳng và Cà Thiêu. Bà Niê H’ruôn - Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết: Cầu treo Ba Cẳng có một thời gian dài xuống cấp nên không bảo đảm an toàn. Vì vậy, xã đã đề xuất huyện đầu tư xây mới cầu với số vốn hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, cầu treo này đã góp phần vận chuyển nông sản, phát triển sản xuất tại 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Huyện Khánh Vĩnh có 16 cầu treo tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thời gian qua, nhiều cầu đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn giao thông, nhất là vào mùa mưa bão. Do các cầu treo được xây dựng hoặc cải tạo đã khá lâu, một số cầu do người dân tự xây dựng nên không bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng cầu treo, duy tu bảo dưỡng chưa được bố trí hàng năm.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, phần lớn hệ thống cầu treo trên địa bàn được xây dựng từ năm 2005 - 2006. Vì vậy, hiện nay, nhiều cầu cần phải gia cố, sửa chữa bổ sung, nhất là các kết cấu bị xuống cấp như: tăng cáp, dây treo, dây chống sóng ngang, tay vịn, thanh chống, sơn chống gỉ thép, lắp đặt bổ sung biển báo... Ngoài ra, một số cầu cần phải đầu tư xây mới để bảo đảm an toàn. Tổng kinh phí dự trù sửa chữa gần 3,5 tỷ đồng, trong đó vốn huyện đảm nhận 360 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 cầu treo được đề xuất xây mới với kinh phí gần 11,5 tỷ đồng (gồm: cầu treo Sông Máu, xã Khánh Thượng; cầu vào khu sản xuất Gia Lố, xã Sơn Thái; cầu treo ngầm 4 thôn Gia Rú, xã Khánh Thành).
Ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Cầu treo trên địa bàn làm theo kết cấu cũ rất nhỏ hẹp nên chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nhẹ bằng xe máy, xe thô sơ, chưa bảo đảm yêu cầu vận chuyển nông sản bằng cơ giới hay cho phép xe có tải trọng 1,5 - 2,5 tấn đi qua. Thời gian tới, huyện cần vốn để đầu tư xây mới cầu treo đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay, tìm nguồn vốn đầu tư rất khó. Nguồn vốn ngân sách của huyện chỉ đầu tư cho các công trình bức xúc. Vì vậy, ngành giao thông cần bố trí vốn để huyện có điều kiện sửa chữa và làm mới hệ thống cầu treo”.
P.L
.