08:08, 15/08/2014

Các trường hợp hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn: Đã có hướng giải quyết

Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn tại các cơ quan Nhà nước. Nhưng thực tế, toàn tỉnh có 443 trường hợp hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định hợp đồng lao động (HĐLĐ) làm công việc chuyên môn tại các cơ quan Nhà nước. Nhưng thực tế, toàn tỉnh có 443 trường hợp HĐLĐ làm công việc chuyên môn tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.


- Xin ông giải thích rõ về vấn đề này?


- Theo Bộ luật Lao động, HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo Luật Cán bộ, công chức (năm 2008), khái niệm cán bộ, công chức được định nghĩa khá rõ ràng và chỉ được tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Theo Luật Viên chức (năm 2010), viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Tương tự như tuyển dụng cán bộ, công chức, việc tuyển dụng viên chức cũng được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

 


Như vậy, trong cơ quan Nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập không có chế độ HĐLĐ làm công việc chuyên môn. Trong các cơ quan, đơn vị này chỉ có chế độ HĐLĐ gắn liền với Nghị định 68 ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Theo Nghị định 68, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, ô tô và các máy móc, thiết bị khác; lái xe, bảo vệ, vệ sinh, giữ xe và công việc khác.


- Thế nhưng thực tế, vì nhu cầu công việc nên nhiều cơ quan đã thực hiện HĐLĐ làm công việc chuyên môn. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả gì, thưa ông?


- Qua kiểm tra của Hội đồng phát triển nguồn nhân lực tỉnh, có hiện tượng nhiều sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ký HĐLĐ với những người làm nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức. Theo thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 443 trường hợp HĐLĐ làm công việc chuyên môn tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 218 HĐLĐ trong chỉ tiêu biên chế và 225 trường hợp ngoài chỉ tiêu biên chế. Có cơ quan có đến hơn 90 trường hợp HĐLĐ ngoài chỉ tiêu biên chế. Điều này dẫn đến hệ quả, quyền lợi của NLĐ không đảm bảo. Bởi vì, họ không phải là NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động, cũng không phải cán bộ, công chức hay viên chức được tuyển dụng theo Luật Cán bộ, công chức hay Luật Viên chức. Trong khi đó họ vẫn làm công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đây là hoạt động công vụ hoặc dịch vụ công, đòi hỏi phải là cán bộ, công chức, viên chức mới đủ điều kiện làm việc. Theo chế độ công vụ, họ được giao công việc cụ thể và phải chịu trách nhiệm với công việc được giao.


- Vậy hướng giải quyết của UBND tỉnh đối với các trường hợp này như thế nào, thưa ông?


- UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, chấm dứt ngay HĐLĐ ngoài chỉ tiêu biên chế làm công tác chuyên môn phát sinh sau ngày 7-1-2014  (nếu có).


Đối với các trường hợp lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn phát sinh từ trước ngày 7-1-2014, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn NLĐ thi tuyển, xét tuyển công chức hành chính và tuyển dụng viên chức theo quy định hiện hành nếu còn chỉ tiêu biên chế. Một số trường hợp tỉnh cho phép vận dụng khoản 6 Điều 1 Nghị định 68 (quy định về “công việc khác”) để ký kết HĐLĐ làm công việc giản đơn hỗ trợ hoạt động các cơ quan, đơn vị. Sở Nội vụ chủ trì cùng Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu sử dụng lao động làm công tác hỗ trợ hoạt động các cơ quan. Số lượng cụ thể phải được UBND tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện. Kinh phí thực hiện hợp đồng do đơn vị sử dụng lao động trích từ việc giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị.


Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ về các xã. Đề án tăng cường trí thức trẻ về công tác tại các xã giai đoạn 2014 - 2016 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa V. NLĐ đang hợp đồng làm việc tại các cơ quan, đơn vị chủ yếu có trình độ đại học. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần hướng dẫn họ tham gia Đề án này. Ngoài ra, có thể hướng dẫn NLĐ thi tuyển, xét tuyển vào công chức cấp xã theo quy định, bố trí làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập tùy tình hình thực tế. Các trường hợp còn lại không bố trí được theo các giải pháp nêu trên, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phải chấm dứt HĐLĐ trước ngày 31-12-2014. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có phương án giải quyết cho từng trường hợp.


- Xin ông cho biết về tình hình tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?


- Trong thời gian qua, Khánh Hòa thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các chỉ tiêu biên chế được giao trong điều kiện số lượng biên chế phân bổ thấp so với các tỉnh, thành khác. Về công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện theo đúng các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành được Bộ Nội vụ kiểm tra, đánh giá tốt. Khó khăn lớn nhất hiện nay là một số công việc mới được giao hoặc nhu cầu nhân lực cần nhiều hơn nhưng số biên chế được giao ít dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực ở một số lĩnh vực, ngành, địa phương. Vấn đề này đang được tỉnh và Bộ Nội vụ quan tâm giải quyết.


K.N (Thực hiện)