Tuy đã triển khai từ tháng 3-2014 nhưng đến nay, tiến độ bóc tách đất lâm nghiệp giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn rất chậm và lúng túng.
Tuy đã triển khai từ tháng 3-2014 nhưng đến nay, tiến độ bóc tách đất lâm nghiệp giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo, thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn rất chậm và lúng túng.
Nhiều vướng mắc
Thực hiện Quyết định 772 ngày 31-3-2014 của UBND tỉnh về giao đất lâm nghiệp đã bóc tách cho các địa phương, huyện Khánh Sơn được giao 503ha. Trong đó, có 417ha đất xác định đã có chủ do đất bị lấn chiếm, số còn lại chưa sử dụng, tập trung tại 2 xã Sơn Hiệp và Sơn Lâm. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã lên phương án kiểm kê hoa màu, tài sản trên đất lấn chiếm cần thu hồi, tiến hành lập hội đồng kiểm kê thu hồi đất. Theo đó, 32ha/417ha xác định đất có chủ sẽ hợp thức hóa giao cho 16 hộ nghèo có đất lấn chiếm; số còn lại sẽ tiến hành kiểm kê và giao cho 124 hộ ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất. Lãnh đạo huyện Khánh Sơn cho biết, vướng mắc trong việc bóc tách đất là do phải rà soát danh sách hộ nghèo, bóc tách đất ở thôn nào giao cho thôn đó. Hiện nay, hiện trạng đất lấn chiếm của người dân đang sản xuất cà phê, nếu giao cho hộ ĐBDTTS thiếu đất thì việc sản xuất sẽ không hiệu quả. Huyện kiến nghị chuyển số diện tích đất này sang cho thuê...
Huyện Khánh Vĩnh được giao 1.355ha đất lâm nghiệp, dự kiến sẽ giao 182ha cho 364 hộ ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất; số còn lại đang có chủ sử dụng nên huyện đã trình tỉnh xem xét. Mặt khác, 68ha đất tại xã Khánh Hiệp thuộc Dự án trồng rừng 327 trước đây; vì vậy, huyện đang rà soát để lên phương án tiếp tục giao cho hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất. Huyện kiến nghị tỉnh giải quyết theo hướng: Hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất được giao đủ theo định mức quy định, không xé lẻ để tránh manh mún; hộ người Kinh sử dụng đất trong phạm vi thu hồi thì tiến hành thu hồi toàn bộ, không đền bù đất, chỉ đền bù hoa màu và cấp lại cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất.
Việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất còn nhiều lúng túng. |
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, tỉnh giao cho huyện 417ha đất bóc tách từ đất của Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ (RPH) huyện. Trong đó, đất đã có chủ sử dụng hơn 161ha; chưa có chủ hơn 22ha; phần còn lại là đất trống, đất giao thông, sông suối... Huyện đề xuất: Đối với đất hộ ĐBDTTS đang sử dụng, lấn chiếm, sẽ công nhận quyền sử dụng đất phần diện tích đang sử dụng trong hạn mức quy định. Đối với đất hộ người Kinh lấn chiếm, sử dụng, căn cứ thời điểm lấn chiếm, sử dụng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận; nếu không đủ điều kiện sẽ tiến hành thu hồi, chỉ hỗ trợ hoa màu và tài sản trên đất.
Hiện nay, thị xã Ninh Hòa đang gặp nhiều khó khăn trong việc giao đất cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất. 1.076ha đất lâm nghiệp bóc tách từ đất của BQL RPH thị xã Ninh Hòa được xác định: 784ha là đất người dân xâm canh, lấn chiếm; khoảng 100ha đất do BQL RPH hợp đồng với người dân ăn chia theo phương thức 7:3; khoảng 192ha còn lại hoàn toàn của BQL RPH cho người dân thuê. Việc xác định sở hữu chủ đất lâm nghiệp trên địa bàn rất phức tạp, rắc rối, phát sinh nhiều tranh chấp, đặc biệt là tại khu vực xã Ninh Sơn. Bên cạnh đó, việc bàn giao cột mốc từ đơn vị đo đạc của tỉnh chưa cụ thể, số lượng ít nên huyện rất lúng túng trong việc xác định diện tích được giao; bản đồ giao đất có một số diện tích chưa tách ra theo từng xã khiến việc quản lý, bàn giao gặp nhiều khó khăn...
Cần đẩy nhanh tiến độ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh giao Sở thẩm định phương án giao đất chi tiết của các địa phương theo Quyết định 772. Tuy nhiên, hiện nay, phương án của các địa phương còn sơ sài, chưa cụ thể nên gây khó khăn cho công tác thẩm định, tham mưu. Ngoài ra, một số địa phương chưa xây dựng xong phương án... Ông Vũ Xuân Thiềng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, công tác giao đất cho hộ nghèo, hộ ĐBDTTS thiếu đất rất phức tạp, khó khăn do nhiều nguyên nhân, phụ thuộc vào đối tượng giao đất (hộ nghèo, hộ ĐBDTTS...), kỹ thuật giao đất (bản đồ, cột mốc...), hiện trạng sử dụng đất (phù hợp hay không phù hợp quy định của pháp luật...). Đó là chưa kể đất có độ dốc lớn, đi lại khó khăn nên người được giao đất không chịu nhận... Vì vậy, hiện nay, tiến độ giao đất rất chậm và gặp nhiều vướng mắc. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch giao đất rõ ràng, phân rõ đối tượng, khu vực, tiến độ, thời gian; những khu vực đất trống có khả năng phát triển nông nghiệp vẫn phải giao, trường hợp thiếu đất sản xuất cần đề xuất hỗ trợ bằng tiền theo Quyết định 755, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ...
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giao đất cho ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất, mới đây, tại cuộc họp về vấn đề này, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ban, ngành liên quan hoàn chỉnh phương án giao đất chi tiết, cụ thể để có cơ sở thực hiện; quy định rõ trình tự, thủ tục, tổ chức giao đất thực địa; dự trù kinh phí, tăng cường số lượng cột mốc... chậm nhất đến ngày 1-10 phải hoàn thành. Ngoài ra, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ban Dân tộc tỉnh rà soát hoàn thiện phương án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-10...
Hy vọng, với những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác giao đất cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất sẽ có nhiều tiến triển.
P.L