Doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; không rà soát được đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; người lao động lách luật để hưởng chính sách; người thất nghiệp không mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề… là những bất cập, vướng mắc của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Doanh nghiệp (DN) nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); không rà soát được đối tượng tham gia BHTN; người lao động (NLĐ) lách luật để hưởng chính sách; người thất nghiệp không mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề… là những bất cập, vướng mắc của chính sách BHTN.
Theo quy định về BHTN, chỉ có những NLĐ hợp đồng từ 12 tháng trở lên làm việc trong những DN sử dụng hơn 10 lao động mới được tham gia BHTN. Điều này có nghĩa, NLĐ có hợp đồng ngắn hạn hoặc làm trong các DN, cơ sở sử dụng dưới 10 lao động đều không thuộc diện được tham gia BHTN. Trong khi đó, đây là những đối tượng rất dễ bị mất việc làm, cần được quan tâm, hỗ trợ. Chị Võ Thị Thu - nhân viên tại một DN tư nhân ở TP. Nha Trang cho biết: “Tôi thấy một số người làm ở DN khác đều được đóng BHTN để phòng khi mất việc. Tôi cũng rất muốn tham gia, nhưng chủ DN nói chúng tôi không được đóng vì số lao động ở đây chưa đến 10 người”.
Nhân viên Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp. |
Lo ngại nhất là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHTN của các DN. Bởi vì, nếu NLĐ nghỉ việc trong thời điểm mà DN còn nợ tiền bảo hiểm thì họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) do không thể chốt được sổ BHXH. Theo thống kê của BHXH tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 đơn vị, DN nợ BHXH hơn 99 tỷ đồng, trong đó nợ BHTN hơn 30 tỷ đồng. Trên thực tế, đã có rất nhiều NLĐ chịu thiệt thòi do DN nợ đọng bảo hiểm kéo dài. Trường hợp của anh Trần Văn Hùng (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) là một minh chứng. Khi anh Hùng đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đăng ký hưởng TCTN mới biết, DN mình đã làm việc đang nợ BHXH. Anh Hùng ngao ngán: “Mất việc làm, tôi hy vọng vào nguồn TCTN. Thế nhưng, DN lại đang nợ BHXH nên tôi không thể chốt được sổ BHXH. Vậy là số tiền trợ cấp hàng tháng của tôi xem như bị mất”. Tuy chưa thống kê được số NLĐ không được hưởng TCTN, nhưng việc DN nợ BHXH đã làm mất đi quyền lợi chính đáng của nhiều NLĐ.
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp NLĐ nghỉ làm việc ở đơn vị này liền chuyển sang làm việc ở một đơn vị khác. Nhưng khi có quyết định nghỉ việc ở đơn vị cũ, họ vẫn đi làm thủ tục để hưởng TCTN. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng không thể xác định được NLĐ đã có việc làm mới nên vẫn ra quyết định cho được hưởng TCTN. Bà Nguyễn Thị Hồng Bắc - Phó Giám đốc BHXH tỉnh nói: “Khi xác nhận hưởng TCTN trên chương trình quản lý thu BHXH, chúng tôi mới phát hiện ra những trường hợp này và lập tức cho ngừng ngay việc chi trả trợ cấp”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 24.800 người đăng ký thất nghiệp, đã có hơn 23.500 người được hưởng TCTN với số tiền hơn 138,6 tỷ đồng. |
Mặt khác, phần lớn NLĐ thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp, nhưng ngại bỏ ra khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng để học nghề dù có sự hỗ trợ từ chính sách BHTN. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 46 người thất nghiệp đăng ký đi học nghề... Được biết, theo quy định, NLĐ thất nghiệp chỉ được đào tạo những nghề thuộc trình độ sơ cấp. Hơn nữa, chi phí học nghề thấp, các DN thường xuyên tuyển lao động phổ thông, trong khi chênh lệch tiền lương giữa lao động phổ thông và lao động qua đào tạo nghề không nhiều. NLĐ sợ mất thời gian vào học nghề mà hiệu quả mang lại không cao, trong khi chính sách lại không bắt buộc tham gia. Anh Huỳnh Văn Khải (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) cho biết: “Khi đăng ký thất nghiệp, chúng tôi được tư vấn đi học nghề có hỗ trợ chi phí 3,6 triệu đồng/khóa học. Tuy nhiên, tôi không đăng ký, bởi vì tôi là lao động chính trong gia đình, nếu đi học nghề thì trong khoảng thời gian đó sẽ không ai lo cho cuộc sống của gia đình”.
BHTN là một trong những chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, để giảm bớt khó khăn trong thực hiện chính sách này, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động và NLĐ hiểu, thực hiện đúng quy định; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các DN thực hiện đăng ký, đóng BHTN đúng thời gian, tránh tình trạng nợ BHTN kéo dài. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xác định đúng đối tượng hưởng chính sách TCTN, hạn chế kẽ hở để tránh tình trạng lạm dụng chính sách. Luật BHXH cũng cần quy định rõ những trường hợp không được hưởng BHTN như: Bị kỷ luật buộc phải sa thải, tự ý nghỉ việc, bị đuổi việc... Có như vậy, BHTN mới thực sự là “phao cứu sinh” cho NLĐ trong những lúc khó khăn.
PHÚ VINH