10:08, 15/08/2014

Áp dụng công nghệ, giải quyết triệt để chất thải

Quá trình đô thị hóa khiến việc phát sinh lượng chất thải từ các đô thị và cơ sở sản xuất công nghiệp ngày càng lớn, nhưng việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải này hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Quá trình đô thị hóa khiến việc phát sinh lượng chất thải từ các đô thị và cơ sở sản xuất công nghiệp ngày càng lớn, nhưng việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải này hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập.


Thiếu vốn và công nghệ


Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn của Việt Nam, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị lớn là 31.500 tấn/ngày. Con số này tương đương ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, chỉ 84% ở thành thị và 40% ở nông thôn đang được thu gom, xử lý. Với 458 bãi chôn lấp hiện có thì chỉ có 121 bãi hợp vệ sinh. Vì vậy, ở nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước trầm trọng.


Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2020 sẽ là khoảng 22 triệu tấn/năm. Như vậy, với lượng gia tăng chất thải rắn sinh hoạt như trên thì nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe cộng đồng là rất đáng báo động. Trong khi đó, công tác xử lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp không hợp vệ sinh.


Đáng ngại hơn, hầu hết các công ty môi trường đô thị đều chưa có khả năng xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại phát sinh tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, các cơ sở tái chế đa số ở quy mô vừa và nhỏ, phần lớn là các hộ sản xuất cá thể tại các làng nghề với công nghệ và dây chuyền sản xuất tái chế lạc hậu, trang thiết bị thô sơ, thủ công. Sau khi thu gom, chất thải được đem đi nghiền, đốt rồi pha thêm hóa chất, vật liệu khác để làm ra các sản phẩm tái chế rẻ tiền.


Quy trình lạc hậu như vậy khiến rác thải sinh hoạt được xử lý rất chậm, không đúng quy cách và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống. Ngoài ra, nước ta hiện vẫn chưa có các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt chuyên dụng quy mô lớn. Điều này càng làm tăng thêm nỗi lo nhiều khu vực sẽ xuất hiện các bãi rác thải sinh hoạt khổng lồ.


Cần áp dụng công nghệ, giải quyết triệt để chất thải rắn


Theo Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149 ngày 17-12-2009 nhấn mạnh chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ dân; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.


Tuy nhiên, cho đến nay, việc quản lý và kiểm soát các cơ sở tái chế vẫn còn nhiều khó khăn, là nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, ngay tại các khu vực đang vận hành các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh đang xử lý với hơn 90% khối lượng rác sinh hoạt hàng ngày thì nguy cơ mùi hôi và nước rỉ rác vẫn hiện hữu gây tốn kém trong việc xử lý. Trong khi đó, các quy định về thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức về tái chế chất thải rắn chủ yếu vẫn nằm trong các nội dung về bảo vệ môi trường mà chưa có những chính sách chuyên biệt riêng hỗ trợ cho hoạt động tái chế.


Bởi vậy, để thực hiện mục tiêu trên, việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn cần áp dụng vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần hướng tới giảm thiểu phát thải carbon nhờ phân loại rác thải tại nguồn. Hoạt động này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tái chế, tái sử dụng và xử lý. Tiếp đến là ngăn ngừa các vấn đề suy thoái môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế chôn lấp chất thải rắn.


K.T (Theo Báo điện tử ĐCSVN)