11:08, 25/08/2014

An toàn lao động trên tàu cá: Cần được quan tâm đúng mức

Theo ước tính, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 30.000 lao động nghề biển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe cho ngư dân chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ước tính, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 30.000 lao động nghề biển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe cho ngư dân chưa được quan tâm đúng mức.


Đối mặt với nhiều rủi ro


Trong lúc kéo lưới, do bất cẩn nên ông Bùi Quang Trung (54 tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) không may bị cuốn vào máy tời làm bàn tay phải dập nát. Từ đó, ông phải bỏ nghề đi biển. Ông Trung cho biết: “Hơn 20 năm bám biển, chỉ một lần sơ suất, tôi đã mất bàn tay phải. Bây giờ tôi không thể làm việc, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn”. Chung tình cảnh ấy, ngư dân Trần Văn Khải (40 tuổi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cũng phải bỏ nghề. Ông Khải kể: “Cách đây khoảng 3 năm, trong lúc đang đưa cá vào hầm bảo quản, tôi bị trượt chân rơi xuống hầm chứa làm bàn chân trái bị gãy. Khi đưa về bờ cứu chữa, bác sĩ bảo phải cắt bỏ bàn chân do nhiễm trùng”. 

 
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9.800 tàu cá các loại, với hơn 30.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các địa phương ven biển (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh và Nha Trang). Trong đó, có khoảng 1.200 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là đánh bắt gần bờ. Ông Đào Quốc Trưởng, chuyên viên an toàn vệ sinh lao động Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, lao động đi biển là loại lao động căng thẳng, nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro tai nạn, bệnh tật. Mỗi chuyến tàu ra khơi thường có từ 5 đến 15 lao động, khai thác từ 10 đến 20 ngày trên biển. Thời gian làm việc của ngư dân trung bình 12 giờ/ngày. Ngư dân thường xuyên làm việc ngoài trời, chịu tác động của thời tiết, sự rung, lắc do tác động của sóng biển, tiếng ồn và khí thải chứa các yếu tố độc hại phát ra từ máy nổ. Không những thế, ngư dân còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, không gian nghỉ ngơi chật hẹp... Những yếu tố đó đã khiến người lao động sau một thời gian làm việc thường có các triệu chứng như: tê mỏi tay chân, đau đầu, cay mắt, lở loét da, tức ngực, đau khớp...

 

Quá trình lao động, ngư dân phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Quá trình lao động, ngư dân phải đối mặt với nhiều rủi ro.

 
Hiện nay, tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đa số là tàu nhỏ, vỏ gỗ, lắp máy cũ đã qua sử dụng, trang thiết bị khai thác và an toàn còn thiếu và không đồng bộ. Trong khi đó, hầu hết ngư dân đi biển đều dựa vào kinh nghiệm nên không chú trọng đến những thiết bị an toàn như: bộ đàm tầm xa, các loại đèn báo hiệu, cờ hiệu, định vị, hải đồ... mà chỉ trang bị những thiết bị thô sơ như: radio, bộ đàm tầm ngắn, la bàn. Vì vậy, khi có bão, nhiều tàu không kịp tìm nơi trú tránh, dẫn đến hậu quả khôn lường...


Cần được quan tâm


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, lao động ngư nghiệp hầu hết không có hợp đồng lao động, chế độ phúc lợi xã hội; không được tiếp cận, quan tâm khi bị rủi ro, tai nạn, thương tích. Bên cạnh đó, trước và sau khi hành nghề, họ không được học tập, tập huấn nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trên tàu mà chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm là chính. Do đó, họ không thể tránh khỏi rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính vì thế, để đảm bảo quyền lợi cho lao động ngư dân, Nhà nước, địa phương cần xây dựng chính sách, quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho ngư dân về: hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ, chế độ lao động nặng nhọc, độc hại...

 

Theo Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước có 400 vụ tai nạn xảy ra do: cháy nổ, ngư dân bị đứt lìa chân tay, trơn trượt, rơi xuống biển, gãy chân vịt, tàu tự chìm do gỗ mục, chết máy…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động của ngư dân là do thiếu thông tin liên lạc, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật, công nghệ khai thác còn thô sơ, lạc hậu. Do đó, Nhà nước, địa phương cần quan tâm đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, khu vực neo đậu, tránh trú bão, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho ngư dân chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, composite và các loại vật liệu mới. Cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác, bảo quản nhằm giảm áp lực lao động bằng sức lực.  


Ông Đào Quốc Trưởng chia sẻ, hiện nay, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn lao động của ngư dân còn kém. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật an toàn lao động, xử lý sự cố phát sinh để làm chủ được phương tiện, chủ động ứng phó với các tình huống xấu khi xảy ra. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc phát triển đoàn viên, thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, để thông qua các tổ, đội mở các lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật..., qua đó giảm tai nạn, rủi ro đáng tiếc khi đánh bắt hải sản...   


Nghề khai thác hải sản trên biển đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, tạo việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Chính vì thế, vấn đề đảm bảo an toàn lao động, bệnh tật cho ngư dân rất cần được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm. Có như vậy mới giúp ngư dân bảo đảm được tính mạng, sức khỏe, vững tin bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.


VĂN GIANG