Tàu cá vỏ Composite đang được ngư dân Khánh Hòa tiên phong lựa chọn, bởi giá thành vừa phải lại tiết kiệm nhiên liệu. Trong khi hầu hết ngư dân không có điều kiện đóng tàu vỏ sắt, việc chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang vỏ Composite là một hướng cần được tính đến.
Tàu cá vỏ Composite đang được ngư dân Khánh Hòa tiên phong lựa chọn, bởi giá thành vừa phải lại tiết kiệm nhiên liệu. Trong khi hầu hết ngư dân không có điều kiện đóng tàu vỏ sắt, việc chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang vỏ Composite là một hướng cần được tính đến.
Nhiều tàu mới
Gần cửa sông Quán Trường, Nha Trang 2 chiếc tàu cá Composite màu xanh vừa được hạ thủy, đang hoàn thiện để chuẩn bị ra khơi. Anh Huỳnh Văn Thịnh, nhà ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng - chủ của 1 trong 2 chiếc tàu này cho biết, tàu có công suất 300CV, dài 15,4m, rộng 4,2m, giá trị phần tàu lên đến 900 triệu đồng. Nhiều năm sử dụng tàu gỗ, nhưng lần này anh Thịnh quyết định đóng mới tàu cá Composite để sử dụng mặc dù giá cao hơn tàu gỗ đến 30%. Bởi tàu Composite có nhiều lợi ích, được thiết kế để dễ dàng thích hợp với nhiều nghề từ khai thác đến thu mua. “Tàu Composite đắt hơn nhưng tốt hơn tàu gỗ, tính lâu dài sẽ hiệu quả hơn, vì hàng năm không phải làm nước, không phải hồ, xảm, tiết kiệm được đến 30 triệu đồng. Tàu này tiết kiệm nhiên liệu và khó chìm hơn nên tôi quyết định chọn Composite” - anh Thịnh chia sẻ.
Ông Hồ Văn Hào, “chủ thầu” 2 chiếc tàu Composite, trong đó có chiếc của anh Thịnh cho biết, mấy năm nay, nhiều người dân đã chuyển từ tàu vỏ gỗ sang loại vật liệu mới này. Tính đến nay, cơ sở của ông đã đóng được gần 10 chiếc tàu, trong số đó gia đình đang dùng 4 chiếc.
Còn tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP) thuộc Trường Đại học Nha Trang, các công nhân đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc tàu cá Composite để chuẩn bị hạ thủy vào đầu tháng 8. Đây là công trình hợp tác giữa Công ty Yanmar Nhật Bản với Hội Nghề cá tỉnh và Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy đóng mới tàu cá để thí điểm khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương theo chuỗi. Sau đó, Công ty Yanmar dự kiến sẽ phát triển đội tàu Composite lên 180 chiếc tại các tỉnh Nam Trung bộ.
2 chiếc tàu Composite đã được hạ thủy tại Hòn Rớ. |
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết, Khánh Hòa là địa phương đi đầu cả nước về sử dụng tàu cá bằng vỏ Composite. Từ năm 1991, Trường Đại học Thủy sản (Đại học Nha Trang ngày nay) đã hạ thủy chiếc tàu cá Composite đầu tiên có tên VN-90. Năm 1999, tỉnh Khánh Hòa cũng đóng chiếc tàu cá Composite đầu tiên trong chương trình tàu cá xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 30 chiếc tàu cá bằng Composite, nhiều nhất cả nước. “Chiếc tàu Composite trong chương trình đánh bắt xa bờ đến nay vẫn được ngư dân sử dụng rất hiệu quả. Ngư dân Khánh Hòa đã tiếp cận rất sớm với loại tàu này, nên hiện nay đây là loại tàu mơ ước của nhiều ngư dân” - ông Lăng cho biết.
Nhiều rào cản đã được tháo gỡ
Tuy có nhiều lợi ích nhưng trong những năm qua, việc phát triển tàu Composite gặp khá nhiều rào cản. Ông Mai Thành Phúc, một trong những người đầu tiên sử dụng tàu Composite tại Hòn Rớ, Nha Trang cho biết, tàu Composite hàng năm chỉ phải mất công cạo hà, không mất phí “làm nước” như tàu gỗ. Nếu như biển đói, tàu nằm bờ thì cũng không tốn chi phí như tàu gỗ. Ông Hồ Văn Hào thì cho rằng, tàu Composite nhẹ hơn tàu gỗ nên tốc độ có thể lên đến 10 hải lý/giờ, trong khi đó tàu gỗ chỉ khoảng 5 - 6 hải lý/giờ nên tiết kiệm nhiên liệu hơn tàu gỗ cùng công suất đến 20%. Ngoài ra, do thiết kế thành những khoang kín nên tàu Composite nếu có bị thủng thì sẽ rất khó chìm. Điểm nổi bật nhất chính là hầm đá bằng Composite để bảo quản hải sản rất kín nên giữ được độ lạnh lâu hơn so với các hầm được làm bằng gỗ. “Mỗi chuyến biển, mỗi con tàu tiết kiệm được 700 - 800 lít dầu, tốc độ nhanh, thời gian đi biển ngắn hơn, hải sản được bảo quản tốt nên hiệu quả cao hơn hẳn tàu gỗ. Vì thế, gia đình tôi đã bán tàu gỗ để chuyển sang tàu Composite” - ông Hào cho biết.
Tàu Composite đang chiếm đa số trong đội tàu cá của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng, tại Việt Nam, sau hơn 20 năm được triển khai thì đến nay tỉnh Khánh Hòa mới chỉ có 30 chiếc, còn 27 tỉnh, thành phố ven biển khác thì số lượng tàu này rất ít ỏi. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng UNINSHIP cho biết, số lượng tàu ít do các rào cản như thói quen sử dụng tàu gỗ của người dân; đặc biệt trước năm 2010, giá thành vỏ tàu Composite thường gấp 2 lần giá thành vỏ tàu gỗ cùng loại, nên ngư dân khó tiếp cận. Bên cạnh nhiều ưu điểm, vật liệu Composie vẫn tồn tại một số khuyết điểm cơ bản: độ bền va đập kém, trọng lượng thân tàu thấp, gây trở ngại về tốc độ và hiệu quả khai thác khi gặp sóng to, gió lớn. Về mặt tâm lý, với sự xuất hiện ngày càng nhiều tàu cá vỏ Composite nên ngư dân bắt đầu làm quen với việc sử dụng loại vật liệu này. Trong khi đó, sự khan hiếm gỗ đóng tàu và sự phát triển mạnh của ngành công nghệ vật liệu mới khiến giá thành vật liệu Composite ngày càng giảm. Nếu như sản xuất hàng loạt từ 10 tàu trở lên thì giá thành vỏ tàu Composite xấp xỉ giá thành vỏ tàu gỗ và rẻ hơn giá thành tàu vỏ thép cùng loại. Mặt khác, các cơ sở đóng tàu đã có những giải pháp gia cường cục bộ nhằm tăng độ bền va đập ở những vị trí thiết yếu. “Về mặt kỹ thuật, tàu vỏ Composite có thể đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn của tàu cá xa bờ. Với kích cỡ tàu dưới 30m như hiện nay thì sử dụng vật liệu Composite sẽ rất là hiệu quả” - Tiến sĩ Đạt cho biết.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Chính phủ đã có Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng tàu để đánh bắt xa bờ và ngư dân đang có rất nhiều lựa chọn về mẫu tàu cũng như vật liệu. Hiện nay, khi giá thành tàu Composite đã dần hạ, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì đây chính là cơ hội để phát triển đội tàu cá xa bờ Composite, bên cạnh tàu vỏ thép và vỏ gỗ truyền thống. “Từ thực tế đi biển, nhiều ngư dân không muốn đóng mới tàu vỏ thép mà muốn chọn vỏ gỗ hoặc Composite. Với chủ trương hỗ trợ của Nhà nước thì ngư dân sẽ có cơ hội để hiện thực hóa ước mơ được sở hữu những tàu đánh cá hiện đại, an toàn, hiệu quả” - ông Lăng cho biết.
Đức Bình