Bãi rác tạm ở đèo Rù Rì (TP. Nha Trang) sắp đóng cửa để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, UBND thành phố đang có hướng tạo việc làm mới cho người nhặt rác.
Bãi rác tạm ở đèo Rù Rì (TP. Nha Trang) sắp đóng cửa để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, UBND thành phố đang có hướng tạo việc làm mới cho người nhặt rác.
Định hướng thu gom rác tự quản
Bãi rác mới Lương Hòa (TP. Nha Trang) đã đi vào hoạt động từ tháng 3-2014. Tuy nhiên, để đảm bảo tạm thời cuộc sống cho người nhặt rác, hiện nay, mỗi ngày vẫn còn 9 xe rác đổ vào bãi rác cũ ở đèo Rù Rì. Vì thế, môi trường ở khu vực xung quanh bãi rác cũ vẫn bị ô nhiễm. Mới đây, cử tri xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) tiếp tục kiến nghị lên UBND thành phố về bãi rác cũ chưa đóng cửa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại khu vực thôn Lương Hòa và Lương Sơn.
Về vấn đề này, UBND TP. Nha Trang cho biết, ngày 3-6, thành phố đã có Thông báo số 442 về việc đóng cửa bãi rác đèo Rù Rì từ ngày 10-6 và đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ, di dời, chuyển đổi nghề cho những người nhặt rác, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7. Còn theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang (đơn vị chịu trách nhiệm đóng cửa bãi rác), bãi rác cũ sẽ đóng cửa trước tháng 10-2014. Tỉnh sẽ hỗ trợ thêm cho các hộ nhặt rác chuyển đổi nghề nghiệp để di dời, sớm trả khu vực này để đóng cửa bãi rác hoàn toàn theo kế hoạch.
Một số người nhặt rác đã già nên ngại chuyển đổi nghề nghiệp. |
Về phương án giải quyết việc làm cho người nhặt rác, ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, giải quyết các phát sinh khi đóng cửa bãi rác đèo Rù Rì là vấn đề đang được thành phố hết sức quan tâm, nhất là giải quyết việc làm cho người nhặt rác. Vừa qua, Phòng đã đưa những người nhặt rác đi tham quan mô hình thu gom rác tự quản tại xã Vĩnh Phương. Dự kiến, mô hình này sẽ là một trong những hướng giải quyết việc làm cho người dân.
Còn băn khoăn
Nói về chuyển đổi việc làm mới, ông Nguyễn Ngọc Hiền (người nhặt rác) tâm sự: “Nghe nói chính quyền sẽ chuyển đổi nghề cho người nhặt rác nên chúng tôi cũng mừng. Trước mắt, nếu chưa có việc làm, tôi sẽ đi phụ hồ, bốc vác hoặc nhặt thêm phế liệu trên hè phố để kiếm sống”. Còn bà Phạm Thị Hồng Nga (người nhặt rác) chia sẻ: “Vừa qua, phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) mời chúng tôi họp và có nói về việc thành lập tổ thu gom rác tự quản. Tuy ủng hộ chủ trương này nhưng tôi thấy cách làm vẫn chưa ổn”. Theo bà Nga, để thu đủ tiền phí rác thải của người dân rất khó. Vả lại, những người làm nghề nhặt rác sống tự do đã quen, gia cảnh ai cũng khó khăn nên chắc chắn sẽ gặp rắc rối trong việc tự thu, tự quản lý nếu người đứng ra thu lỡ tiêu hết tiền của các thành viên trong tổ. Vì thế, bà mong muốn, nếu thành lập tổ thu gom rác tự quản, chính quyền phải thu giúp tiền phí rác thải và trả lương cho tổ thu gom.
Bên cạnh đó, vẫn có một số người ngại thay đổi, muốn sống với nghề cũ. Ông Cao Văn Tý có gần 30 năm làm nghề nhặt rác cho rằng: Nghề nhặt rác làm ngày nào ăn ngày đó đã quen. Bây giờ, làm nghề theo kiểu đến cuối tháng lãnh lương, gia đình ông không có gì chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày vì từ trước đến nay không có tích lũy. “Tôi còn phải nuôi mẹ già có nhiều bệnh tật và con nhỏ, lương 2 vợ chồng không biết đủ sống hay không. Vì thế, tôi muốn chính quyền cho chúng tôi vào bãi rác mới tự kiếm sống” - ông Tý nói. Còn bà Ngô Thị Bé (70 tuổi, gia đình bà có 3 đời làm nghề nhặt rác) than thở: “Chúng tôi dốt chữ, không biết gì làm nên mới sống bằng nghề này. Bây giờ nói chuyển nghề khác, chúng tôi đã già nên không làm nổi. Làm nghề này, chúng tôi tự do, bệnh thì nghỉ, hết bệnh tự mày mò vài giờ cũng có cái ăn qua ngày...”.
Theo thống kê, hiện nay, tại bãi rác đèo Rù Rì có khoảng 95 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu đang sống trong các chòi tạm. Số người này chủ yếu có hộ khẩu ở phường Vĩnh Phước, một số ít ở xã Vĩnh Lương và các địa phương thuộc TP. Cam Ranh. “Do số lượng người dân nhặt rác lớn, nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều người đã hết tuổi lao động nên việc hình thành các tổ thu gom rác tự quản cũng chỉ là một trong những giải pháp mà thành phố đề xuất với UBND tỉnh” - ông Lê Tiến Vĩnh giải thích.
Lưu Khánh