09:07, 21/07/2014

Hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi: Khó quản lý thu thuế, phí

Theo quy định, những đơn vị khai thác hoặc có kinh doanh đất, đá, cát, sỏi… đều phải đóng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý thu thuế, phí đối với hoạt động này không hề đơn giản.

Theo quy định, những đơn vị khai thác hoặc có kinh doanh đất, đá, cát, sỏi… đều phải đóng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý thu thuế, phí đối với hoạt động này không hề đơn giản.


Ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng phòng Tổng hợp Nghiệp vụ Dự toán Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, vấn đề khó nhất trong quản lý thuế, phí lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi là cơ quan Thuế không thể nắm chính xác sản lượng khai thác thực tế. Hầu hết hộ gia đình, cá nhân khai thác nhỏ lẻ; nhiều trường hợp chưa được cấp phép, không đăng ký kinh doanh nên chỉ thu được thuế, phí khi cấp hóa đơn lẻ. Do cơ chế tự khai, tự nộp nên ngành Thuế tính toán các loại thuế và phí bảo vệ môi trường trên cơ sở doanh nghiệp (DN) tự khai. Vì vậy, DN rất dễ khai gian sản lượng đất, đá, cát, sỏi khai thác. 6 tháng đầu năm 2014, số thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi chỉ hơn 7,5 tỷ đồng...


Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, hiện nay, việc quản lý thu thuế đối với lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn tỉnh rất phức tạp. Không ít trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác đất, đá, cát, sỏi chưa tự giác khai báo, kê khai nộp thuế và phí, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Đối với các DN được cấp phép hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi để kinh doanh, cung ứng dịch vụ, cơ quan Thuế mới chỉ quản lý trên tờ khai nộp thuế của DN. Chính quyền địa phương quản lý trên cơ sở giấy phép hoạt động; còn khối lượng, sản lượng khai thác đất, đá, cát, sỏi thực tế chưa thể quản lý.

 

Tình trạng khai thác cát trái phép đã làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.Ảnh: ĐẠI HẢI
Tình trạng khai thác cát trái phép đã làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.


Được biết, thời gian qua, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các DN, trong đó có DN khai thác đất, đá, cát, sỏi. Qua đó, phát hiện sai phạm của nhiều DN, xử lý truy thu vào ngân sách. Các DN này thường có biểu hiện vi phạm như: Gian lận về định mức quy đổi tài nguyên, chủng loại tài nguyên; không hạch toán, kê khai đối với tài nguyên tận thu phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh; không hạch toán, chứng minh được nguồn gốc tài nguyên và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí liên quan đến tài nguyên thực tế đã sử dụng trong thi công. Một số DN có hợp đồng nhưng hợp đồng không rõ ràng về các điều khoản giá trị san lấp, tài nguyên cung cấp; nguồn gốc tài nguyên, địa điểm khai thác...


Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, để chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi, bên cạnh nỗ lực của ngành Thuế, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo UBND các xã tăng cường kiểm tra, rà soát sản lượng khai thác thật của các DN. Qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác đất, đá, cát, sỏi trái phép cũng như khai sai sản lượng khai thác để trốn thuế; quản lý các trường hợp khai thác đất, đá, cát, sỏi để cung cấp thông tin cho ngành Thuế; yêu cầu các DN có hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện thủ tục xin cấp phép, đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp thuế theo quy định. Ngành Thuế thường xuyên tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp chống thất thu ngân sách, nhất là hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi...


NGUYỄN KIM