07:07, 31/07/2014

Hoàn thành kế hoạch duy tu, sửa chữa đường bộ

Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành 100% kế hoạch duy tu, sửa chữa đường năm 2014 và ứng vốn năm 2015 để thực hiện 6 công trình.

Đến nay, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành 100% kế hoạch duy tu, sửa chữa đường năm 2014 và ứng vốn năm 2015 để thực hiện 6 công trình.


Kịp thời sửa chữa đường xuống cấp


Tỉnh lộ 8 có chiều dài toàn tuyến 48km đi qua huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Đây là trục đường chính trong khu vực nên lưu lượng xe ngày càng tăng, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, đất đá. Tình trạng này đã khiến nhiều đoạn mặt đường bị rạn nứt, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà, lề đường bị hư hỏng nặng, người điều khiển phương tiện giao thông đi lại khó khăn.


Năm 2009 và 2012, Sở GTVT đã bố trí vốn sửa chữa một số đoạn bị hư hỏng nặng. Hiện những đoạn đường này có bề rộng mặt đường 5,5m, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Để từng bước đồng bộ hóa toàn tuyến, năm 2014, Sở GTVT đã ứng vốn năm 2015 tiếp tục sửa chữa hơn 2,3km Tỉnh lộ 8, đoạn qua xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa với kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đã thực hiện được khoảng 10% khối lượng công trình, đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đầu tháng 10-2014 sẽ hoàn thành. Chị Nguyễn Thị Hoa - người dân sống gần tuyến đường này cho biết: “Trước đây, mỗi lần trời mưa, đoạn đường này có nhiều chỗ nước đọng thành vũng, đất đá lởm chởm, đi lại rất nguy hiểm. Nay được Nhà nước đầu tư nâng cấp, sửa chữa, sắp tới đường đi lại thuận lợi, chúng tôi rất mừng”.

 

Tuyến Tỉnh lộ 8 đang được thi công nâng cấp, sửa chữa.
Tuyến Tỉnh lộ 8 đang được thi công nâng cấp, sửa chữa.


Song song với tuyến Tỉnh lộ 8, Sở GTVT đã ứng vốn năm 2015 đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường Bãi Giếng - Trung Hiệp (Cam Lâm) với kinh phí gần 3,8 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đã thi công được gần 50% khối lượng công trình và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 9. Ông Chu Văn An - Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông nông thôn, Sở GTVT cho biết: “Năm 2014, có 6 công trình được ứng vốn năm 2015 để thực hiện nâng cấp, sửa chữa gồm: Trần Phú (TP. Nha Trang), Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 1B (Ninh Hòa), Bãi Giếng - Trung Hiệp, Lập Định - Suối Môn (Cam Lâm) và Đại lộ Nguyễn Tất Thành với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Việc ứng vốn sửa chữa các công trình không những đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân mà còn hạn chế khối lượng hư hỏng phát sinh. Bởi, đối với những tuyến đường này, nếu không kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ mà chờ đến năm sau mới thực hiện thì đường sẽ hỏng lớn hơn, kinh phí đội lên cao hơn”.


Hoàn thành vượt kế hoạch


Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.280km đường bộ; trong đó mặt đường bê tông xi măng hơn 851km, đường nhựa hơn 622km, đường đá dăm láng nhựa trên 828km... Trong đó, Sở GTVT quản lý, khai thác 33 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 580km và tuyến Quốc lộ 1C, Quốc lộ 27 với tổng chiều dài 25,6km. Hệ thống cầu, đường giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng quan chiều dài đường bộ, chiều dài mặt đường bê tông, nhựa hóa và cứng hóa hàng năm đều tăng, chiều dài mặt đường đất giảm.


Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Sở GTVT đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa hệ thống đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đối với hệ thống đường tỉnh, Sở thực hiện tốt việc đặt hàng công tác bảo dưỡng thường xuyên với Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Khánh Hòa. Đối với công tác sửa chữa vừa, việc lựa chọn các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công được thực hiện đúng quy định, đảm bảo năng lực tài chính. Theo kế hoạch, năm 2014, tỉnh bố trí 50 tỷ đồng dành cho việc sửa chữa vừa, 25 tỷ đồng sửa chữa thường xuyên. Đến nay, nguồn vốn sửa chữa vừa được Ban Quản lý Dự án giao thông nông thôn (đại diện của Sở GTVT) thực hiện đạt 100% kế hoạch. Riêng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên đạt trên 50% kế hoạch.


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác duy tu, sửa chữa đường hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: Thiếu vốn để thực hiện những nội dung bảo trì mang tính chất ổn định lâu dài như: thảm tăng cường bê tông nhựa; láng nhựa bảo vệ mặt đường... Theo quy định của Bộ GTVT về quản lý và bảo trì đường bộ: Đường bê tông nhựa sau 4 năm phải thực hiện công tác sửa chữa vừa, sau 12 năm phải thực hiện công tác sửa chữa lớn. Đường đá dăm láng nhựa, sau 3 năm phải thực hiện công tác sửa chữa vừa, sau 6 năm phải thực hiện công tác sửa chữa lớn.  Trong khi đó, hiện nay hầu hết các tuyến đường nhựa trên địa bàn tỉnh đã quá niên hạn sửa chữa vừa và sửa chữa lớn nhưng đều không được bảo trì theo quy định do thiếu kinh phí.


Để hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, UBND tỉnh cần xem xét tăng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm  để ngành GTVT nâng cao hơn nữa chất lượng sửa chữa các công trình đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.


K.H