07:07, 31/07/2014

Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn: Chỗ dựa cho nông dân

Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Agribank Chi nhánh Khánh Hòa sơ kết 3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hội Nông dân (HND) tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Agribank Chi nhánh Khánh Hòa sơ kết 3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT).


Kênh dẫn vốn quan trọng


Năm 2011, HND tỉnh và Agribank Chi nhánh Khánh Hòa ký kết văn bản thỏa thuận về chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT theo Nghị định 41 của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân. Qua 3 năm triển khai, chương trình phối hợp đã tác động tích cực đến phát triển NN, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã cho mỗi cá nhân, hộ nông dân vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 50 triệu đồng; 200 triệu đồng đối với hộ sản xuất kinh doanh; 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển NN-NT. Nhờ vào kênh dẫn vốn quan trọng này, sản xuất NN ngày càng được mở rộng, một số làng nghề truyền thống được khôi phục, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, đời sống nông dân được cải thiện. HND các cấp cũng phối hợp với ngân hàng tiếp tục kiện toàn, củng cố và thành lập mới các tổ vay vốn. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 575 tổ vay vốn với hơn 30.890 thành viên. Trong đó có 368 tổ có dư nợ 281 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,4% tổng dư nợ. Ông Ngô Văn Hậu - Tổ trưởng Tổ vay vốn HND xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm) chia sẻ: “Hiện nay, tổ vay vốn có 60 thành viên, dư nợ hơn 2 tỷ đồng, không có nợ quá hạn và nợ xấu. Nhờ vào nguồn vốn tín dụng này, nhiều hộ từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu như: hộ ông Nguyễn Hảng, Nguyễn Văn Chương, Phạm Ngọc Đức... với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.

 

Nhờ chính sách tín dụng, nông dân đã hiện đại hóa khâu thu hoạch lúa.
Nhờ chính sách tín dụng, nông dân đã hiện đại hóa khâu thu hoạch lúa.

 
Để các tổ sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, HND các cấp đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hàng năm, có hơn 900 lớp tập huấn từ tỉnh đến cơ sở hội với gần 45.000 lượt hội viên tham dự. Ngoài ra, HND còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội để việc triển khai chương trình tín dụng được thuận lợi hơn. Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hội, tổ vay vốn được HND tỉnh chú trọng. 3 năm qua, HND tỉnh đã tiến hành kiểm tra 100% huyện, thị, thành hội; 65 cơ sở hội; 215 tổ vay vốn và 670 hộ vay. Qua đó, HND tỉnh đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót nên việc quản lý, điều hành đi vào nề nếp, theo quy định của nghiệp vụ tín dụng do ngân hàng ủy nhiệm, hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu”.


Phối hợp chặt chẽ hơn


Tại hội nghị sơ kết, nhiều cán bộ HND, tổ trưởng tổ vay vốn đã kiến nghị với lãnh đạo HND tỉnh, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình tín dụng. Theo đại diện HND huyện Vạn Ninh, hiện nay, mỗi cá nhân, hộ nông dân vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 50 triệu đồng là còn thấp, trong khi nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất rất lớn. Do đó, các cấp, ngành cần xem xét nâng mức cho vay cho đối tượng này lên 70 - 100 triệu đồng. Còn lãnh đạo HND TP. Cam Ranh cho rằng, cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 41 để phù hợp với tình hình thực tế và không gây thiệt thòi cho nông dân. Hiện nay, Nghị định quy định đối tượng khách hàng được vay vốn phải cư trú, có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều xã được chuyển thành phường, thị trấn nhưng vẫn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất NN. Do đó, nông dân ở các phường, thị trấn này không được hưởng chính sách vay tín dụng ưu đãi.

 

Qua 3 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT trên địa bàn tỉnh, doanh số cho vay đạt 17.224 tỷ đồng với hơn 48.361 lượt khách hàng vay, trong đó cho vay theo Nghị định 41 đạt 8.466 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay phát triển NN-NT đạt 3.331 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay theo Nghị định 41 là 1.484 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số tổ trưởng tổ vay vốn kiến nghị chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, chủ trang trại để tạo cơ sở pháp lý cho đối tượng này vay vốn. Ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục cho vay…


Trả lời các kiến nghị của nông dân, ông Nguyễn Đình Cường - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Những thủ tục cho vay, mức vay, chúng tôi đều thực hiện đúng quy định của Chính phủ. Trước nhu cầu vay vốn của khách hàng, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ nâng mức vay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Về một số vướng mắc trong thủ tục cho vay, chúng tôi cũng đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa để tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi mong chính quyền địa phương, HND các cấp có sự phối hợp chặt chẽ hơn để thực hiện chính sách tín dụng đạt hiệu quả cao”.


MAI HOÀNG