11:07, 18/07/2014

Cây ươi vẫn bị tàn sát

Tuy báo chí đã phản ảnh nhiều về tình trạng khai thác trái ươi theo kiểu tận diệt tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), đồng thời lực lượng chức năng đã có biện pháp xử lý, nhưng đến thời điểm này, cây ươi vẫn bị tàn sát vô tội vạ...

Tuy báo chí đã phản ảnh nhiều về tình trạng khai thác trái ươi theo kiểu tận diệt tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), đồng thời lực lượng chức năng đã có biện pháp xử lý, nhưng đến thời điểm này, cây ươi vẫn bị tàn sát vô tội vạ...


Thân ươi ngã đầy rừng


Trở lại xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh sau hơn 1 tháng kể từ ngày Báo Khánh Hòa đăng phóng sự “Tận diệt rừng ươi”, tình trạng khai thác ươi theo kiểu tận diệt vẫn tiếp tục diễn ra. Dọc các tuyến đường vào rừng, đội quân chở trái ươi bằng xe máy hối hả ra, vào. Nhiều người dân địa phương cho biết, chưa bao giờ được mùa ươi, lại được giá như năm nay nên dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngăn chặn, người dân khắp nơi vẫn đổ về đây để chặt hạ cây.


 Có mặt tại khu vực núi Gia Qué thuộc xã Sơn Thái, chúng tôi chứng kiến dòng người nườm nượp vào rừng khai thác trái ươi. Hàng trăm cây ươi đổ ngã ngổn ngang trong rừng, hầu hết là ươi có chiều cao gần 20m, đường kính tối thiểu 30cm. Càng đi vào sâu, số lượng cây ươi bị chặt hạ xuất hiện ngày càng nhiều. Trước đây, trong số những người vào rừng hái ươi, nhiều nhóm người chỉ nhặt ươi bay (trái ươi rụng), nhưng thời điểm này tất cả đều sử dụng phương pháp chặt hạ để lấy trái. Ông Cao Liên (người hái ươi trú xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Đầu mùa, bà con chỉ khai thác theo kiểu truyền thống (nhặt trái rụng), nhưng càng về sau người các nơi đổ về đông, thấy cây nào có trái họ cũng hạ nên bọn tôi làm theo. Biết khai thác như vậy thì mùa ươi sau sẽ không còn ươi để mà nhặt, nhưng không làm thì họ làm hết”.

 

1
Tình trạng khai thác ươi theo kiểu tận diệt vẫn tiếp diễn.


Theo người dân địa phương, khu vực rừng đầu nguồn của xã Sơn Thái, hơn hai tháng nay luôn là “điểm nóng” của việc chặt hạ rừng ươi. Một cây ươi ngã xuống đã kéo theo hàng loạt cây rừng khác bị gãy đổ. Cây ươi thường nằm trong rừng sâu, vì thế những người hái ươi ngang nhiên đưa các phương tiện vào tận nơi để khai thác. Khi được hỏi không sợ cán bộ kiểm lâm bắt hay sao, nhiều người cưa cây ươi vẫn bình thản trả lời rằng, ở địa phương hầu như nhà nào cũng có lao động vào rừng hái ươi. Nếu bị Kiểm lâm bắt tận tay, các đối tượng sẵn sàng bỏ ươi tại hiện trường để thoát thân. Một số đối tượng đốn hạ cây lấy ươi non còn nói: “Rừng núi mênh mông, người chặt hạ ươi khắp nơi, Kiểm lâm có bắt thì cũng không xuể”.
Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trước thực trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm trực thuộc tăng cường tuần tra những địa điểm mà người dân tập trung khai thác cây ươi để ngăn chặn đối tượng chặt phá. Thời gian vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã phá dỡ nhiều lán trại, thu giữ nhiều máy cưa và tạm giữ các phương tiện vận chuyển của người khai thác ươi, song vì lợi nhuận nên người khai thác ươi vẫn bất chấp pháp luật vào rừng khai thác trái phép. Ngoài việc tuần tra, lực lượng Kiểm lâm còn phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân khai thác đúng cách và đúng pháp luật. Hiện ở Khánh Vĩnh bước sang mùa mưa nên tình hình người dân khai thác ươi không còn rầm rộ như trước”.


Diễn biến phức tạp


Tình trạng hái ươi theo kiểu triệt hạ không chỉ diễn ra ở Khánh Vĩnh. Thời gian gần đây, lực lượng khai thác lâm sản này tiếp tục đổ về các cánh rừng ươi của thị xã Ninh Hòa để chặt hạ cây lấy quả. Hiện 2 xã Ninh Ích và Ninh Tây là địa điểm đang diễn ra việc chặt ươi rầm rộ nhất. Điều đáng nói, lực lượng khai thác ươi chủ yếu là người ở địa phương khác tới, dân bản địa chiếm số lượng không đáng kể. Ông Lê Thùy (chuyên thu mua trái ươi trú tại phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Sau khi ươi được khai thác rộ ở Khánh Vĩnh được khoảng 1 tháng, đội quân hái ươi lại kéo nhau về các cánh rừng ở xã Ninh Ích và Ninh Tây của Ninh Hòa để khai thác. Đa số những người vào rừng đều không có kinh nghiệm nên họ thu ươi vô tội vạ. Trái già trái non đều bị họ vặt sạch. Tận diệt như thế này thì mùa ươi sau chắc chắn không còn cây để mà khai thác”.

 

Người dân nhặt ươi trong rừng.
Người dân nhặt ươi trong rừng.


Vì rất nhiều người hái ươi không phải là dân chuyên đi rừng nên việc họ vào rừng chặt hạ cây theo phong trào sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Đã có không ít tai nạn lao động xảy ra đối với người dân khi đi khai thác loại lâm sản này. Mới đây, thông tin từ Công an xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa xác nhận, ông V.D.H. (50 tuổi, trú xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) tử vong do cây đổ trúng người trong khi đi rừng khai thác quả ươi.


Xung quanh những diễn biến phức tạp này, ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa cho biết: “Tình trạng khai thác ươi ở Ninh Hòa vẫn đang tiếp diễn. Người dân chủ yếu sử dụng phương pháp chặt hạ cây để lấy trái. Lực lượng Kiểm lâm đã tổ chức rất nhiều đợt tuần tra, đẩy đuổi. Tuy nhiên, mỗi lần có cơ quan chức năng xuất hiện là họ bỏ chạy. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kết hợp với tuyên truyền để xử lý tình trạng khai thác ươi như hiện nay”.


Đình Lâm - Bích La