10:05, 14/05/2014

Phụ nữ đan len lúc nông nhàn

Nhiều năm nay, các cơ sở đan len ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã thu hút khoảng 80% phụ nữ trong xã làm việc, góp phần tăng thêm thu nhập gia đình trong thời gian nông nhàn.

Nhiều năm nay, các cơ sở đan len ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã thu hút khoảng 80% phụ nữ trong xã làm việc, góp phần tăng thêm thu nhập gia đình trong thời gian nông nhàn.


Hiện nay, tại xã Cam An Bắc có 5 - 6 cơ sở đan len, tiêu thụ từ 5 đến 8 tấn len/tháng. Tiền công đan len tùy từng mặt hàng có giá từ 5.000 đến 80.000 đồng/sản phẩm. Vì vậy, mỗi chị em nhận len về đan tại nhà có thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Đan len là một trong những nghề phụ dễ làm và tận dụng được thời gian nông nhàn của phụ nữ. Các cơ sở đan len trong xã đã tạo thêm nhiều việc làm, giúp chị em tăng thu nhập gia đình. Nhiều phụ nữ trong xã đã coi đan len, quay len là nghề chính của gia đình. Tham gia đan len còn có những người già không đủ sức khỏe làm các công việc nặng, học sinh nghỉ hè. Cụ Vì (hơn 70 tuổi) chia sẻ: “Tôi không còn đủ sức khỏe làm những việc nặng nhọc, nhưng đan len thì vẫn được. Công việc này đã mang lại thu nhập cho tôi”.


Để tạo được nguồn công việc ổn định cho phụ nữ địa phương, các chủ cơ sở đan len tại xã đã nỗ lực tìm kiếm nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Ngoài việc đi tìm nguồn len tại những nhà máy len trong nước, các cơ sở cũng giúp nhau trong việc điều phối nguồn cung nguyên liệu để duy trì công việc cho người lao động. Đi đầu trong phong trào này là cơ sở đan len Lợi Thuận.  Chị Bùi Thị Bích Thuận - chủ cơ sở đan len Lợi Thuận cho biết: “Từ khi tham gia nghề đan len tại địa phương, tôi nhận thấy thị trường trong nước, đặc biệt là TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) lúc nào cũng có nhu cầu các sản phẩm từ len như: mũ, áo, khăn… Nhờ đó, cơ sở đã giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã”. Cơ sở đã có nhiều sáng tạo trong việc lắp ghép thành công những máy quay len cung cấp cho chị em làm việc, quay len nguyên liệu thành cuộn để bán cho các đại lý và cơ sở đan len khác. Toàn bộ những chất liệu để lắp ghép máy quay len đều tận dụng từ đồ cũ. Máy quay len dễ sử dụng, giúp nhân công không tốn nhiều công sức... Chị Linh - người quay len thường xuyên cho cơ sở đan len Lợi Thuận có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, chị đảm nhận 2 máy quay len. Chị dự định khi chồng nghỉ hưu sẽ nhận tiếp 2 máy nữa để chồng làm thêm nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Trong khi đó, chị Lệ - người dân địa phương nhận đan áo, khăn len cũng có thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng...

 

 Kiểm hàng tại một cơ sở đan len ở xã Cam An Bắc.
Kiểm hàng tại một cơ sở đan len ở xã Cam An Bắc.


Nhờ những nỗ lực không ngừng trong hoạt động kinh doanh, cơ sở đan len Lợi Thuận đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội. Năm 2013, cơ sở được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng bằng khen vì sự nghiệp “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giai đoạn 2008 - 2013”. Hiện cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho hơn 80 lao động nữ.


Chị Trần Thị Phương Quỳnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam An Bắc cho biết: “Xã có rất nhiều phụ nữ biết nghề đan len, mỗi khi nông nhàn đều tham gia ít nhiều vào việc đan len để kiếm thêm thu nhập. Nghề này không phải chịu vất vả nắng mưa. Chính nhờ những chị em này mà các cơ sở đan len trong xã hoạt động tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương”.


HƯƠNG QUỲNH