Những vùng cát trắng mênh mông của xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) trong hơn 20 năm qua đã được Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa khai thác, xuất khẩu. Song, đằng sau việc khai khoáng, đã xuất hiện các vấn đề về môi trường...
Những vùng cát trắng mênh mông của xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) trong hơn 20 năm qua đã được Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa khai thác, xuất khẩu. Song, đằng sau việc khai khoáng, đã xuất hiện các vấn đề về môi trường...
Hiểm họa từ các hố nước sâu
Men theo con đường độc đạo dẫn vào mỏ cát Thủy Triều (xã Cam Hải Đông), bên cạnh những bãi cát trắng mênh mông là vô số những hố nước sâu. Đây chính là vết tích để lại sau hơn 20 năm khai thác cát trắng của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa (Minexco). Đối với người dân xã Cam Hải Đông, các hố nước sâu này và vấn đề nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn đã trở thành nỗi ám ánh.
Nước giếng đen kịt |
Ông Mai Quang (thôn Thủy Triều) cho hay: “Cách đây mấy năm, một bà cụ trong thôn đi nhặt củi không may bị sảy chân, rớt xuống hố tử vong. Sau đó không lâu, một cháu bé 2 tuổi, con của đôi vợ chồng người xã Cam Lập, Cam Ranh ra đây dựng lều ở để đi biển cũng bị tử vong do rớt xuống hố”. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng bức xúc về tình trạng nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chị Nguyễn Thị Nghĩa (thôn Thủy Triều) than thở: “Cả gia đình có mỗi một cái giếng duy nhất, nhưng đã 2 năm nay nước bỗng dưng đen kịt, không thể dùng cho ăn uống được. Tuy được lọc kỹ nhưng nước vẫn vàng khè…”. Không riêng gia đình chị Nghĩa mà nhiều hộ gia đình ở thôn Thủy Triều cũng ở tình trạng tương tự. Họ cho rằng nước bị ô nhiễm là do việc rửa cát gây ra.
Bà Trần Mai Thị Kim Hòa - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông cho biết: “Người dân đã nhiều lần kiến nghị Minexco sớm san lấp các hố do khai thác cát và giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình tuyển rửa cát. Chính quyền địa phương cũng đã chuyển kiến nghị này đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa thấy được giải quyết” UBND tỉnh đã quan tâm giải quyết.
Thực ra, kiến nghị của người dân đã được UBND tỉnh xem xét giải quyết từ rất lâu. Về vấn đề hoàn thổ, ngày 12-12-2013, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Minexco hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác trong năm 2014, chuyển giao đất cho địa phương quản lý.
Nước thải trong quá trình rửa cát được xả thẳng ra khuôn viên nhà máy của Minexco. |
Ông Lê Khúc, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Minexco cho biết: “Lâu nay, công ty đã hoàn thổ tại các khu vực khai thác. Những hố hiện nay là từ quá trình khai thác từ những năm 90. Năm 2003, khi UBND tỉnh giao đất để khai thác cát, không yêu cầu hoàn thổ. Nay UBND tỉnh có yêu cầu hoàn thổ thì công ty mới có phương án thực hiện”.
Vậy nhưng, theo Điều 2 của Quyết định 1823 của UBND tỉnh ngày 12-9-2005 về việc giao đất cho Minexco, UBND tỉnh yêu cầu Minexco phải chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi đó, tại điểm d, khoản 1, Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ trách nhiệm của các công ty khai thác là phải phục hồi môi trường.
Làm việc với Minexco về vấn đề nước ô nhiễm, ông Huỳnh Công Hưng - Phó Quản đốc Nhà máy tuyển rửa cát Minexco cho biết: “Việc người dân nhận định nước ô nhiễm do hoạt động tuyển rửa cát của Công ty là chưa chính xác. Bởi trong quá trình tuyển rửa cát, toàn bộ nước thải đều được đưa về các hố lắng lọc theo đúng quy trình”. Còn ông Khúc thì giải thích: “Nước bị nhiễm bẩn không phải do quá trình tuyển rửa cát của công ty. Khi công ty khai thác khoáng sản mạch nước ngầm bị hạ thấp. Vốn khu vực này được hình thành trên vùng đầm lầy, có nhiều trầm tích của thực vật nên nước ở tầng sâu có màu vàng. Trước đây, người dân khai thác phần nước bề mặt từ các đụn cát, nhưng khi mực nước ngầm bị hạ người dân lấy nước ở tầng sâu hơn nên nước có nhiều trầm tích xỉn màu”.
Về những vấn đề mà người dân kiến nghị, ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết: “Đối với hoàn thổ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Minexco phải san lấp tất cả các hố mà mình đã khai thác. Hiện Chi cục đã thu 980 triệu đồng để lập quỹ phục hồi môi trường. Việc này phải được hoàn thành cuối năm 2014. Chúng tôi liên tục giám sát quá trình này”. Về vấn đề ô nhiễm nước, ông Sơn giải thích rõ hơn: “Quá trình tuyển rửa cát của Minexco không sử dụng hóa chất. Việc nước giếng của các hộ trong khu vực có màu đen hoặc vàng là do cấu tạo địa chất. Nếu người dân khoan giếng xuống độ sâu cho phép sẽ lấy được nguồn nước không bị nhiễm bẩn”.
Đình Lâm - Thế Anh
Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005)
Điều 44. Bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản:
1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, phục hồi môi trường sau đây:
a) Thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
(….)
d) Phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.