01:05, 20/05/2014

Trao lại hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B

Cuối năm 2013, Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Khánh Hòa nhận bàn giao từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III 406 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Khánh Hòa phông của Ủy ban Thống nhất Chính phủ (1955 - 1975). Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh cho biết:

Cuối năm 2013, Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Khánh Hòa nhận bàn giao từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III 406 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Khánh Hòa phông của Ủy ban Thống nhất Chính phủ (1955 - 1975). Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh cho biết:

- Toàn bộ tài liệu phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ bao gồm 2 khối chính: Khối tài liệu hành chính và khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B. Khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B gồm gần 56.000 bộ.


Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy ban Thống nhất Chính phủ chấm dứt hoạt động, toàn bộ tài liệu chuyển về Ban Tổ chức Trung ương. Sau đó chuyển giao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Lưu trữ Nhà nước, sau này lại chuyển cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III quản lý. Toàn bộ hồ sơ, kỷ vật đã được chỉnh lý để phục vụ nhu cầu khai thác tài liệu lịch sử. Riêng Khánh Hòa có 406 hồ sơ được Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước bàn giao cho Chi cục Văn thư  lưu trữ. Đến nay, Chi cục đã thực hiện việc chứng thực tài liệu được sao từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để sắp tới trao lại cho cá nhân và thân nhân của cán bộ đi B.

 


- Những hồ sơ, kỷ vật này có giá trị như thế nào, thưa bà?


- Đó là hồ sơ cá nhân của những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và những cán bộ miền Bắc theo yêu cầu của cách mạng đã vào miền Nam công tác theo con đường dân sự. Đây là danh mục và dữ liệu quan trọng để làm cơ sở tra tìm hồ sơ cán bộ nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Trong số 406 hồ sơ, Chi cục đã hoàn tất chứng thực để trao cho cán bộ đi B tỉnh Khánh Hòa, đến nay có những người đã hy sinh, có những người tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh. Chi cục giữ tại Kho Lưu trữ chuyên dụng của tỉnh danh mục và 406 hồ sơ do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cấp sao chứng thực. Đây là nguồn tài liệu quý vô giá có ý nghĩa quan trọng, phản ánh cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn với số phận của những con người trong bối cảnh chiến tranh, đất nước phân chia, gia đình ly tán. Đồng thời có giá trị nâng cao giáo dục truyền thống đấu tranh của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng đất nước nói chung và những người con của tỉnh Khánh Hòa nói riêng.


- Cảm xúc của cá nhân bà khi tiếp cận với những hồ sơ, kỷ vật này?


- Khi lật giở hồ sơ của các cô, chú, anh, chị, tôi cảm thấy như mình đang được sống trong thời kỳ đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh. Tôi bắt gặp trong ấy khát vọng giải phóng, nhiệt huyết của những người con miền Nam được trở lại cùng đồng bào miền Nam chiến đấu giành độc lập. Cả niềm tự hào với những đóng góp tích cực cho thời kỳ xây dựng miền Bắc XHCN, là hậu phương vững chắc để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.  


- Dự kiến, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ trao lại hồ sơ cho cá nhân và thân nhân gia đình cán bộ đi B vào ngày Thương binh liệt sĩ (27-7) năm nay. Chi cục sẽ làm gì để kịp hoàn thành nhiệm vụ liên hệ, điều tra, xác minh địa chỉ của cá nhân, thân nhân cán bộ đi B?


- Khi thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi gặp khó khăn là có địa danh đã thay đổi tên; cá nhân và thân nhân họ có thể ở Khánh Hòa nhưng có thể đã sinh sống ở tỉnh, thành khác. Vì vậy, việc tìm kiếm, xác minh địa chỉ để liên hệ được với họ sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian. Vì thế, sắp tới, Chi cục sẽ khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đối chiếu, rà soát, xác minh địa chỉ, danh sách cán bộ hiện đang hưởng chế độ, chính sách đối với người có công do tỉnh quản lý nắm địa chỉ để liên lạc khi tổ chức trao hồ sơ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong tỉnh xác minh đối với cá nhân, thân nhân cán bộ đi B hiện đang sinh sống ở các huyện, thị, thành phố. Chúng tôi cũng hy vọng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cá nhân và thân nhân cán bộ đi B biết thông tin này và chủ động liên hệ với Chi cục.


- Xin cảm ơn bà!


K.N (Thực hiện)