Ngày 14-5, tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), hơn 40 cộng tác viên của dự án "Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti...
Ngày 14-5, tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), hơn 40 cộng tác viên của dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti (trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết) mang tác nhân sinh học Wolbachia” tiến hành thả bổ sung đợt muỗi Aedes aegypti nhiễm tác nhân Wolbachia chủng wMel thay cho chủng wMelpop. Wolbachia là vi khuẩn có khả năng chống lại virút Dengue, được cấy vào trứng muỗi để sản sinh ra loại muỗi mang “văcxin” chống bệnh sốt xuất huyết, khi đốt người không gây lây bệnh.
Đại diện thành viên của dự án đang tiến hành thả muỗi mang chủng mới |
Tháng 4-2103, chủng muỗi Aedes aegypti đã được thả liên tục trong 23 tuần tại đảo Trí Nguyên và có thời điểm loại muỗi này đã thay thế hơn 90% quần thể muỗi tự nhiên tại đảo. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng kết thúc việc thả muỗi, quần thể muỗi mang chủng wMelpop có xu hướng giảm dần và hiện nay chỉ chiếm khoảng 1%. Trước hiện trạng trên, dự án đã tiến hành thả bổ sung muỗi Aedes aegypti mang tác nhân Wolbachia chủng mới. So với chủng cũ, chủng mới có khả năng thích nghi cao với môi trường và đã được ứng dụng thành công ở Úc, hiện đang được thử nghiệm tại Indonesia.
Từ đây cho đến tháng 8, mỗi tuần, các cộng tác viên sẽ tới nhà người dân trên đảo Trí Nguyên (hơn 800 hộ) để thả, mỗi đợt khoảng 30 con muỗi.
T.L