11:05, 21/05/2014

Phá hoại san hô ven bờ

Thời gian qua, tại khu vực biển thuộc thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang diễn ra tình trạng khai thác san hô trái phép. Trong khi đó, công tác quản lý còn khó khăn do nhiều nguyên nhân…

Thời gian qua, tại khu vực biển thuộc thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang diễn ra tình trạng khai thác san hô trái phép. Trong khi đó, công tác quản lý còn khó khăn do nhiều nguyên nhân…


Lén lút khai thác


Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến bãi cạn cạnh khu du lịch Diamond Bay. Quan sát trên mặt biển cách bờ khoảng 7m, chúng tôi thấy có một vài người đang hì hục ngụp lặn đục san hô với dụng cụ khá đơn giản như: xà beng, búa tạ… Một người trong nhóm khai thác cho biết: “Chúng tôi không đào san hô thường xuyên vì biết đây là mặt hàng cấm, chỉ tập trung khai thác số lượng nhiều khi có khách đặt hàng…”. San hô lấy từ dưới biển lên chỉ được tập kết trên bờ đủ số lượng theo đơn hàng của người mua, số còn dư đều được thả chìm dưới mặt nước để không bị phát hiện. Tại đây, số lượng san hô đã đưa lên bờ khoảng 3 - 4m3 nhưng vẫn chưa được chuyển đi. Người khai thác san hô cho biết: “Chúng tôi chỉ khai thác, còn vận chuyển do phía người mua hàng chịu trách nhiệm, lấy tiền tại chỗ an toàn hơn. Khi nào bốc hàng, người mua sẽ gọi điện…”.


Được biết, hiện nay, giá mua san hô tại khu vực này khoảng 600.000 đồng/m3, nếu giao hàng tận nơi giá sẽ lên đến hàng triệu đồng vì vận chuyển nhiều rủi ro, lỡ bị bắt sẽ bị phạt tiền nặng. Những người khai thác san hô cho biết, mỗi ngày họ khai thác được khoảng 0,5 - 0,8m3. Sau 6 ngày, họ có thể đào được 4m3 san hô. Tính ra, thu nhập từ khai thác san hô cao hơn nhiều so với đánh bắt hải sản và làm các nghề khác. Chính vì mối lợi này mà nhiều người bất chấp việc có thể bị xử phạt, vẫn lén lút khai thác san hô.


Sau khi khai thác, các tảng san hô lớn dùng để làm hòn non bộ, những cục nhỏ được dùng làm dụng cụ bẫy tôm hùm. Tuy nhiên, san hô được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu chơi non bộ. Những người khai thác san hô chỉ cho chúng tôi thấy một kết cấu san hô lớn có hình thù đẹp. Với những tảng san hô có tiểu cảnh tự nhiên có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/tảng không kể khối lượng. Vì vậy, hầu như ngày nào nhóm người này cũng đi khai thác san hô.

 

Tập kết san hô trên bờ chờ vận chuyển.

 


Ông V.K - chủ một cửa hàng cây cảnh tại Nha Trang cho biết, mỗi khi cần san hô để tạo bể cảnh non bộ, ông đều được cung cấp kịp thời. Thú chơi này vẫn đang thịnh, có cầu ắt có cung… Tại các cửa hàng cây cảnh, chúng tôi đều thấy nhiều tảng san hô đã được xếp lên chậu làm bon sai. Chúng được gọt tỉa phù hợp theo thị hiếu của khách hàng. Ưu thế của san hô là tự hút nước cung cấp cho cây trồng bên trên. Ông Chín - một người chơi cây cảnh tiết lộ: “San hô hiện đang được ưa chuộng để làm những tiểu cảnh nhỏ độc đáo. Do cấu trúc đá vôi xốp nên dễ dàng đục đẽo, tạo hình theo ý muốn”.


Công tác bảo vệ còn khó khăn

 

Trên thế giới có khoảng 284.000km2 san hô, chiếm khoảng 1,2% diện tích thềm lục địa. Các dải san hô hỗ trợ ngành ngư nghiệp và du lịch, làm đê chắn sóng tự nhiên khi có bão. Các dải san hô còn làm đa dạng hóa hệ sinh thái. Theo ước tính của Chương trình Bảo vệ môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), giá trị kinh tế của 1km2 san hô mang lại khoảng 100.000 - 600.000 USD/năm.

Theo thống kê, vịnh Nha Trang có 350 loài san hô tạo rạn, chiếm hơn 40% số loài trên thế giới. Tính đa dạng sinh học cao này giúp cho nhiều nguồn lợi thủy sản phát triển. Thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã tổ chức tuyên truyền về giá trị của san hô trong việc cân bằng sinh thái; triển khai nhiều hoạt động thực tiễn để bảo vệ các rạn san hô đang phát triển tại khu vực quanh Hòn Mun - nơi có độ che phủ của san hô cao nhất trong Khu Bảo tồn vịnh Nha Trang. Trong đó, chủ yếu là ngăn cản không cho tàu thuyền neo trực tiếp trên rạn; ngăn chặn khai thác và đánh bắt trong khu vực bảo tồn biển Hòn Mun. Ông Trương Kỉnh - Trưởng Ban quản lý vịnh cho biết: “Hiện nay, lực lượng và phương tiện bảo vệ còn hạn chế. Trong thời gian tới, để tích cực bảo vệ san hô, Ban quản lý sẽ đề xuất những phương pháp bảo vệ hiện đại như: đặt camera, rada, robot… để đáp ứng với sự phát triển quá nhanh của du lịch, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang”.


Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Hàng tuần, cán bộ môi trường đều đi kiểm tra. Việc bảo vệ rạn san hô trên địa bàn là trách nhiệm của xã; tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhân lực mỏng nên công tác quản lý và bảo vệ còn gặp khó khăn”.

 

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức khoảng 20 đợt tuyên truyền/năm cho ngư dân về việc bảo vệ rạn san hô để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó có kết hợp nhiều nội dung như: không đánh bắt bằng phương tiện hủy diệt, không đánh bắt bằng lưỡi câu, lưới rà… gây hại đến rạn san hô; vận động ngư dân sử dụng dụng cụ mới trong khai thác tôm hùm giống, không dùng san hô. Ông Võ Khắc Én - Trưởng phòng Quản lý khai thác nguồn lợi và môi trường thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Trước đây, Chi cục có tàu thanh tra chuyên ngành để kiểm tra, xử phạt kết hợp tuyên truyền bảo vệ các rạn san hô. Nhưng mấy năm nay, việc này được giao cho Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Còn ông Nguyễn Duyên Thành - Đội trưởng Đội Tổng hợp Thanh tra cho biết, năm 2013, đội kiểm tra liên ngành của Sở được thành lập, có hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ san hô; năm 2014 chưa triển khai hoạt động trong lĩnh vực này.


Hoạt động khai thác trái phép san hô đang đẩy nhanh quá trình hủy hoại môi trường ven bờ. Trước thực trạng này, các ban, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, tuyên truyền sâu rộng để ngư dân hiểu việc bảo vệ san hô là bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, cũng cần phải kiểm tra, xử lý các cơ sở chế tác hòn non bộ từ san hô.


Đỗ Phan

 

Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản:
 Điều 5. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản:


1. Mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển.


2. Mức phạt tiền đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển san hô được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu khối lượng san hô dưới 10kg;


b) Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 10kg đến dưới 50kg;


c) Phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 50kg đến dưới 100kg;


d) Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 100kg trở lên.