Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 30-6 với chủ đề chính là "Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em".
Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 30-6 với chủ đề chính là “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.
Việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình có liên quan đến trẻ em; vận động xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để trẻ em có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh; hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động... do thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ của gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.
- Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ có những hoạt động gì, thưa bà?
- Có nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như: Tặng quà, trao học bổng cho trẻ em, trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gặp mặt, giao lưu, biểu dương trẻ em nghèo, trẻ em học giỏi; mở các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, dạy bơi cho trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ... Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động, chương trình chăm sóc trẻ em khuyết tật. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp để chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; thực hiện chương trình mổ tim cho trẻ em bệnh tim bẩm sinh; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em.
Ngoài ra, các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mặt khác, tổ chức rà soát, kiểm tra, theo dõi, can thiệp, giúp đỡ những trường hợp trẻ bị đánh đập, ngược đãi và có nguy cơ bị ngược đãi; tổ chức giáo dục cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình, tránh xa các nguy cơ bị xâm hại...
- Xin cảm ơn bà!
VĂN GIANG (Thực hiện)