Nhiều tháng qua, người dân ở khu dân cư Lỗ Lươn rất lo lắng trước việc ngành Đường sắt Việt Nam thực hiện Dự án cải tạo và kéo dài đường ray xe lửa ga Lương Sơn khiến người dân không có đường đi, tai nạn giao thông luôn rình rập.
Nhiều tháng qua, người dân ở khu dân cư Lỗ Lươn rất lo lắng trước việc ngành Đường sắt Việt Nam thực hiện Dự án cải tạo và kéo dài đường ray xe lửa ga Lương Sơn khiến người dân không có đường đi, tai nạn giao thông luôn rình rập.
Đi lại khó khăn
16 giờ 30 ngày 15-5, chúng tôi có mặt tại Km1303+150 ga Lương Sơn (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang), đúng vào giờ cao điểm nên có rất đông người qua lại. Theo quan sát của chúng tôi, cả khu vực này chỉ có một con đường nối từ khu dân cư ra Quốc lộ 1. Con đường này cắt ngang 3 đường ray của ga Lương Sơn. Vì thế, khi muốn đi vào khu vực Lỗ Lươn, bắt buộc người dân phải đi qua đường dân sinh tại Km1303+150 trong khu vực ga. Đó là những lúc không có tàu, còn những lúc tàu dừng lại ở ga thì các toa tàu nằm chắn ngang đường, khiến người dân không thể qua lại được. Đã thế, do đất đá gồ ghề, nên việc đi lại rất khó khăn.
Ông Dương Tiên - thôn Võ Tánh 1, xã Vĩnh Lương cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng phải băng qua đường sắt nhưng chỉ có một đường nên còn đi lại được. Mấy tháng nay, ngành Đường sắt mở ra 3 đường nên đi lại rất khó khăn. Lúc nào nhanh thì mất khoảng 5-7 phút, có những lúc tàu chắn ngang phải chờ 30 - 40 phút. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm, sớm làm đường cho người dân đi”. Chị Trần Thị Kim Phượng - thôn Quang Đăng 1, xã Vĩnh Lương nói: “Tôi đã ngã xe không biết bao nhiêu lần khi đi qua khu vực này. Mới đây, khi chở con đi học về, tôi bị ngã sưng đầu, giờ vẫn còn sợ. Đường đi đã khó cộng với tâm lý lo sợ không qua kịp khi tàu về nên mỗi lần qua đây rất căng thẳng”.
Mỗi lần có người chở nông sản đi qua, ông Tân (người gác đường sắt của xã) lại phải đẩy giúp phía sau. |
Ông Phan Triệu Tân - người canh gác đường sắt của xã tại khu vực này chia sẻ: “Công việc chính của tôi là gác chắn không cho người dân qua lại khi tàu sắp qua ga, nhưng làm việc chính thì ít mà dắt xe cho phụ nữ, học sinh và đẩy nông sản cho người dân thì nhiều. Tôi không hiểu vì sao ngành Đường sắt, khi làm thêm đường ray không tính đến việc đi lại của người dân”.
Cần một lối đi
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận xã Vĩnh Lương có chiều dài 9km, chia cắt địa bàn xã thành hai phần. Địa hình khu vực này, một bên là biển, một bên là núi cao. Vì vậy, trên chiều dài 9km chỉ bố trí được 1 đường ngang hợp pháp tại Km1305+194, còn lại là các đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Do vậy, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Khu dân cư Lỗ Lươn có khoảng 2.500 người dân sinh sống, diện tích đất canh tác, trồng trọt, chăn nuôi trên 900ha. Trước đây, đường dân sinh tại khu vực này (Km1303+150) chỉ băng qua một đường ray xe lửa nên người dân đi lại, vận chuyển nông sản tuy khó khăn nhưng vẫn đi được. Còn hiện nay, ngành Đường sắt xây mới đường số 1 và mở rộng thêm đường số 2 và số 3 (do Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2 thực hiện), cả 3 đường đều cắt qua vị trí đường dân sinh tại Km1303+150. Vì vậy, người dân muốn đi vào khu vực Lỗ Lươn bắt buộc phải đi qua 3 đường sắt. Trong khi đó, cao độ nền đường và đường ray được lắp cao hơn mặt đường bê tông dân sinh, rất nguy hiểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phụng Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua khu vực này, từ ngày 1-4, UBND TP. Nha Trang đã trích kinh phí cho xã hợp đồng 2 người gác chắn tại đây. Tuy nhiên, việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản. Nguy hiểm hơn là hiện nay, đây là đường đến trường duy nhất của các em học sinh ở khu vực này. UBND xã đã có nhiều văn bản gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2; UBND TP. Nha Trang, Ban An toàn giao thông tỉnh... Các đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định vị trí giao cắt rất nguy hiểm nhưng đến nay ngành Đường sắt vẫn chưa quan tâm giải quyết. “Hiện xã đã xây dựng phương án tạm thời là đề nghị ngành Đường sắt đầu tư xây dựng 2 đường gom dọc 2 bên đường sắt từ Km1303+150 đến cầu đường sắt và người dân đi dưới cầu tại Km1303+050 với tổng chiều dài khoảng 220m, trong phần đất đã được giải phóng mặt bằng của Dự án kéo dài đường ray” - ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó phòng Kỹ thuật, Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, đây là ga tàu có dừng tránh, vì vậy khi tàu vào dừng tránh thì chắn hết lối đi của người dân. Trong khi đó, mỗi đoàn tàu dừng tránh cũng mất từ 30 - 60 phút. “Phương án làm đường gom 2 bên đường sắt của xã là hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện. Cùng với địa phương, chúng tôi đã kiến nghị với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty đã cho người vào khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Hiện Dự án chưa được nghiệm thu, bàn giao về cho Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh nên Công ty chỉ có thể kiến nghị với Tổng Công ty và Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2 (đơn vị thực hiện dự án) chứ không thể can thiệp. Thiết nghĩ, trong trường hợp ngành Đường sắt Việt Nam chưa có kinh phí thực hiện, UBND xã, UBND TP. Nha Trang nên ứng kinh phí và vận động người dân đóng góp làm đường trước tháng 6. Bởi hiện nay tàu mới chạy 2 đường, khi tàu chạy cả 3 đường thì sẽ còn ùn tắc giao thông hơn nữa” - ông Chiến nói.
CẨM VÂN