Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa tổ chức vòng chung kết hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Những câu chuyện kể về Bác đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe…
Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức vòng chung kết hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dành cho cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên trong toàn ngành. Những câu chuyện kể về Bác đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe…
Chọn câu chuyện Tấm lòng Bác bao dung tất cả, thí sinh (TS) Nguyễn Thị Liên Hương - GV Trường Mầm non Hướng Dương (TP. Nha Trang) đã khiến người nghe cùng suy ngẫm về những bài học GD trẻ em tưởng chừng giản đơn mà vô cùng sâu sắc của Người. Câu chuyện kể về một lần Bác đến thăm các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng. Tại đây, khi nhìn thấy hàng rào dây thép gai quanh nơi các cháu ở, Bác cảm thấy đau đớn, xót xa. Quốc “lủi” - tên của một cháu bé kém nhất trại cũng gợi lên trong Bác bao điều suy nghĩ... Bác quan niệm, không có trẻ em hư, không có con người hỏng, mà chỉ có một số chậm tiến bộ, chưa tốt, chưa ngoan lắm mà thôi. Vì thế, những điều chưa ngoan, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời. Nếu không thực sự thương yêu các em, không thực sự coi các em như con cháu của mình, chúng ta sẽ không thể làm tốt công tác “trồng người”. Chọn câu chuyện này để kể, cô Liên Hương chia sẻ: “Câu chuyện gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Đã có biết bao tấm gương các thầy cô không quản khó khăn, gian khổ, thầm lặng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân vì học sinh. Thế nhưng, ở đâu đó, một lúc nào đó, vẫn còn có một bộ phận GV sống và làm việc thiếu trách nhiệm, coi nhẹ đạo đức của người thầy, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của xã hội. Tôi tự hứa với lòng mình, sẽ luôn ghi nhớ lời Bác dạy, mỗi điều ta nghĩ, mỗi việc ta làm đều phải bắt đầu từ cái tâm, từ tình cảm yêu thương chân thành. Đó cũng là khởi đầu của lòng yêu nghề, quý trọng nghề mà mình lựa chọn - nghề cô giáo mầm non”. Với lối kể chuyện nhẹ nhàng mà sâu lắng, giản dị mà chân tình, TS Liên Hương đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe.
Một tiết mục dự thi. |
Trong những câu chuyện kể về Bác, có những câu chuyện được rất nhiều TS chọn kể như: Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng, Tình yêu của Bác Hồ dành cho những khúc dân ca, Bác không thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai... Chính vì vậy, câu chuyện Chúng ta còn quên gì không? của cô Đinh Như Quỳnh - GV Trường THCS Phạm Hồng Thái (thị xã Ninh Hòa) gây sự chú ý không chỉ bởi nội dung câu chuyện mà còn ở sự liên hệ bản thân. Bằng chất giọng trầm ấm, cô Như Quỳnh kể lại một chuyến đi công tác biên giới của Bác. Trước giờ lên đường, Bác dặn cán bộ đi với Bác: đường đi khá xa, mỗi ngày ta đi khoảng ba chục cây số để giữ sức. Đi một giờ nghỉ mười phút. Đồ đạc gọn gàng, không được để quên thứ gì. Trên đường đi, sợ Bác mệt, mấy anh bảo vệ mấy lần thưa Bác đi chậm một chút cho đỡ mệt, nhưng Bác trả lời mình đã định cách đi, chậm lại là nhỡ việc. Trong một lần dừng chân nghỉ bên con suối, khi mọi người dọn đồ để tiếp tục lên đường, cũng như mọi lần, Bác hỏi: “Chúng ta còn quên gì không?”. Mọi người trả lời: “Dạ, không quên gì ạ”. Bác tần ngần nhìn qua suối rồi nói, chúng ta còn quên chưa chào người dưới mộ. Ta không có hương, các chú hái mấy bông hoa rừng sang viếng mộ rồi lên đường...
Không giấu được xúc động khi nghe cô Như Quỳnh kể chuyện, anh Quốc Linh - khán giả đến theo dõi hội thi tâm sự: “Nghe câu chuyện, tôi thấy lòng mình dâng lên bao niềm cảm xúc. Bác không chỉ dạy cho chúng ta bài học về cách làm việc có kế hoạch mà hơn cả là tình yêu thương cao cả của Người! Người đã dành tất cả tấm lòng hiền từ, ấm áp cho đồng bào; không chỉ nghĩ tới người sống mà còn nghĩ tới cả người nằm trong nấm mộ cô quạnh ven rừng...”.
TS Như Quỳnh chia sẻ: “Câu nói “Chúng ta còn quên gì không?” trong câu chuyện đã gợi trong tôi rất nhiều suy nghĩ. Câu hỏi ấy đâu chỉ đơn thuần là một lời nhắc nhở mà còn giúp ta nhìn lại mình, và tự hỏi liệu trong cuộc sống, ta còn quên điều gì không? Đôi khi giữa những bộn bề lo toan vất vả của cuộc mưu sinh, ta đã tự cho phép mình quên đi quá khứ; ta ngoảnh mặt quay đi trước tiếng rao của một cụ già buổi chợ chiều; ta quên dừng chân đứng lại ngắm cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt để thấy rằng không đâu đẹp bằng quê hương mình, quên đi những điều tưởng như bình thường nhưng thật ra có ý nghĩa nhân văn to lớn... Là GV, đôi khi vì lý do nào đó, lên lớp muộn một vài phút, ta quên nói lời xin lỗi với học sinh... Tôi nhận ra rằng, chúng ta hãy biết trân trọng, nâng niu ký ức của ngày hôm qua, hãy sống ý nghĩa hơn cho hôm nay và mai sau”.
Hội thi khép lại nhưng đã để lại nhiều ấn tượng và những điều đáng suy ngẫm từ mỗi câu chuyện. Học tập Bác, đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên trong toàn ngành GD phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống và công việc, lời nói đi đôi với việc làm, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo.
THU HIỀN