Không sợ hãi hay nao núng trước việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam mới đây, ngư dân Khánh Hòa vẫn gấp rút đóng mới những con tàu công suất lớn để tiếp tục vươn khơi, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
Không sợ hãi hay nao núng trước việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam mới đây, ngư dân Khánh Hòa vẫn gấp rút đóng mới những con tàu công suất lớn để tiếp tục vươn khơi, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
Chạy đua với thời gian
Đến Hợp tác xã (HTX) Đóng tàu Song Thủy (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) những ngày này, hình ảnh chúng tôi bắt gặp là cảnh tất bật, hối hả của những người thợ đóng tàu nhằm sớm hoàn thành việc đóng mới tàu công suất lớn cho ngư dân. Tiếng máy cưa, máy bào, tiếng đục đẽo rộn ràng cả một vùng. Anh Trần Văn Thanh, thợ đóng tàu của HTX hồ hởi: “Mấy bữa nay các chủ tàu hối quá, anh em phải ra sức làm việc cho tàu hạ thủy kịp thời gian. Mặc cho tình hình Biển Đông đang căng thẳng, phần lớn các chủ tàu đều muốn tàu mới sớm hoàn thiện để vươn khơi”. Một tín hiệu đáng mừng là 7 con tàu đang được đóng mới ở HTX Đóng tàu Song Thủy đều là tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Tàu nhỏ cũng hơn 400CV, tàu lớn nhất có công suất 650CV.
Một chiếc tàu công suất lớn đang được đóng mới tại Hợp tác xã Đóng tàu Song Thủy (TP. Nha Trang). |
Anh Lê Chánh Mạnh (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang), người có hơn 20 năm đánh bắt hải sản trên biển cho biết, nghề đi biển đã ngấm vào máu thịt của anh nên bây giờ, dù ngư trường Hoàng Sa có “nóng” đến thế nào, anh và các ngư dân khác vẫn quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường. Nhưng để có những chuyến đi biển dài ngày, cần phải có tàu công suất lớn. Sau nhiều năm tích cóp, cùng với việc mạnh dạn vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, anh Mạnh đã đặt đóng 2 tàu có công suất 500CV với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, chưa tính ngư cụ, thiết bị liên lạc. “Hiện 1 chiếc đã hạ thủy, việc lắp đặt máy móc thiết bị, ngư cụ đã xong. Sau khi hạ thủy chiếc thứ 2, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện thêm một số máy móc, thiết bị trên tàu và chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nhiên liệu... để đến đầu tháng 6 này, 2 tàu sẽ cùng tiến ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản. Giờ có tàu lớn ra khơi rồi không sợ gì nữa. Đến các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tàu chúng tôi sẽ cùng với hàng ngàn tàu cá khác của ngư dân cả nước đoàn kết, đánh bắt hải sản, góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc” - anh Mạnh tâm sự.
Cạnh con tàu của anh Mạnh là tàu của ngư dân Trần Nho (trú xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang). Khi chúng tôi đến, anh Nho đang cùng những người thợ lăn những vệt sơn cuối cùng để kịp hạ thủy tàu có công suất 650CV với sức chứa hơn 150 tấn. Con tàu này riêng phần vỏ và máy đã khoảng 2,5 tỷ đồng. “Không có tàu lớn thì không thể vươn khơi xa để bảo vệ ngư trường của cha ông từ bao đời nay và con cháu mình sau này sẽ không có ngư trường để sản xuất. Rất nhiều ngư dân Khánh Hòa đã đóng những chiếc tàu lớn để thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu của tôi khoảng đầu tháng 6 này sẽ ra ngoài đó cùng anh em đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường” - anh Nho bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Thảo - Chủ nhiệm HTX Đóng tàu Song Thủy nói: “Vừa qua, HTX đã nhận đóng mới 10 tàu cá công suất lớn cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Những con tàu này sẽ đảm bảo cho ngư dân đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày. Hiện 3 chiếc đã hạ thủy, 7 chiếc còn lại đang vào giai đoạn hoàn thiện. Thời gian gần đây, thay vì đóng tàu nhỏ, ngư dân đã chuyển sang đóng tàu lớn. Nếu như những tàu lớn trước đây chỉ dài khoảng 16m thì nay đã lên đến 20m”.
Ước mơ tàu “khủng”
Tại Cơ sở đóng tàu Trần Văn Thiện (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa), ngư dân Trần Ngọc Mậu (trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) lau những giọt mồ hôi, nhìn lên con tàu KH9661TS vừa được sơn, sửa với ánh mắt tự hào: “Bao năm ra khơi với tàu nhỏ chỉ loay hoay gần bờ, năng suất không cao, thậm chí nhiều chuyến biển lỗ nặng. Vì thế, tôi gom góp vốn đóng được chiếc tàu công suất lớn này. Tàu của tôi từng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và lấy đi toàn bộ ngư cụ, song chưa bao giờ chúng tôi e sợ. Sau khi sửa chữa, 5 ngày nữa con tàu này sẽ thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa để câu cá nhám”. Dù con tàu hiện tại có công suất 420CV, ông Mậu vẫn luôn đau đáu ước mơ đóng được con tàu lớn gấp đôi. “Ra khơi với con tàu càng lớn, ngư dân càng yên tâm đánh bắt. Nếu gặp tàu Trung Quốc, thấy tàu mình lớn, đi theo tổ, đội, tàu cá của Trung Quốc cũng có phần e dè, bớt hung hăng. Lỡ bị tàu Trung Quốc vũ trang rượt đuổi, máy tàu mình có công suất lớn cũng dễ xoay xở hơn. Giờ được Nhà nước hỗ trợ vốn, tôi sẽ đóng thêm một tàu cỡ 1.000CV để có thể đánh bắt dài ngày hơn trên ngư trường Hoàng Sa” - ông Mậu bày tỏ. Ước mơ đóng được tàu “khủng” với công suất 800 đến 1.000CV dường như không chỉ riêng ông Mậu mà còn là sự khao khát của hàng ngàn ngư dân Khánh Hòa. Tại Cơ sở đóng tàu Trần Văn Thiện, từ đầu năm đến nay đã có 40 chiếc tàu của ngư dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đưa vào sửa chữa, cải hoán để tiếp tục vươn khơi.
Một số tàu thuyền đang chờ được cải hoán, sửa chữa tại Cơ sở đóng tàu Trần Văn Thiện (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa). |
Qua trao đổi với nhiều ngư dân, hầu hết họ đều mong muốn Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, nhất là trong việc đóng mới, nâng cấp thêm nhiều tàu cá công suất lớn. “Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất, tôi chắc chắn ngư dân sẽ đồng loạt vay, nâng cấp tàu thuyền của mình để đối phó với tình hình bất ổn trên biển. Bản thân tôi cũng muốn vay tiền đóng tàu có công suất 1.000CV” - ngư dân Bùi Tấn Duy (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) nói. Tuy nhiên, việc vay vốn đóng tàu theo cơ chế thương mại trở thành rào cản với ngư dân. Theo ngư dân, việc ra khơi gặp nhiều khó khăn khi giá sản phẩm không ổn định, tàu cá của ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc đe dọa. Thời gian qua, việc bám biển của ngư dân hiệu quả chưa như mong muốn, trong khi lãi suất vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, đóng tàu khá cao nên ngư dân không kham nổi.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 9.800 tàu thuyền, trong đó có khoảng 1.200 tàu đánh bắt xa bờ, riêng số tàu thuyền hoạt động tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và DK1 khoảng 500 chiếc. 3 năm qua (từ 2011 - 2013), số lượng tàu cá của ngư dân hoán cải và đóng mới đã tăng gần 20%, với trên dưới 200 chiếc, chủ yếu hoạt động xa bờ, tập trung nghề câu cá ngừ đại dương và lưới vây rút. |
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho biết, hiện nay nhiều ngư dân đang có nhu cầu đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi bám biển. Nhưng chỉ dựa vào nội lực của họ thì không đủ vì đa số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để ngư dân có được những con tàu lớn. Còn theo ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, tiềm năng của các ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam là rất lớn. Chẳng hạn trữ lượng cá ngừ ở ngư trường Trường Sa khoảng 600.000 tấn, được phép khai thác hàng năm khoảng 200.000 - 250.000 tấn, thế nhưng sản lượng ngư dân đánh bắt hiện chỉ khoảng 30.000 tấn. Như vậy, để khai thác hết sản lượng cho phép cần có thêm chính sách đầu tư, hỗ trợ để động viên ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền và thay đổi công nghệ khai thác... Mới đây, Chi cục đã làm việc với ngân hàng để tìm cách hỗ trợ ngư dân tiếp cận vốn mua sắm ngư cụ, cải hoán tàu thuyền và các phương tiện khác để phục vụ bám biển lâu dài.
Đình Lâm - Bích La