Năm 2014, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) sẽ ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các địa bàn vùng biển khó khăn…
Năm 2014, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) sẽ ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các địa bàn vùng biển khó khăn…
Phát động tại xã Cam Lập
Cam Lập là xã bán đảo, tuy dân số ít (khoảng hơn 1.900 người) nhưng phân bổ thành 4 cụm dân cư tách biệt, địa bàn cách trở, đồi dốc nhiều, đi lại khó khăn. Phụ nữ ở đây ít có điều kiện quan tâm đến chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn Bình Lập) cho biết, tuy đã có 2 con nhưng chị chưa bao giờ chủ động đi khám phụ khoa hay kiểm tra sức khỏe sau sinh. Vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, khám bệnh trên địa bàn xã nên chị mới có cơ hội kiểm tra sức khỏe. Còn chị Trương Thị Thường, cùng thôn với chị Mỹ thừa nhận: “Chỉ khi nào có chiến dịch cung cấp dịch vụ về tận phân trạm y tế Bình Lập, tôi mới đi khám SKSS. Vì đường sá đi lại vất vả nên ít khi tôi đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh để khám”.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng - Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Cam Lập cho biết, để vận động người dân trên địa bàn xã thực hiện tốt KHHGĐ, chăm sóc SKSS, những năm qua, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên đài truyền thanh, treo băng-rôn, cấp tờ rơi, nói chuyện nhóm nhỏ, kết hợp tuyên truyền lồng ghép nhân dịp các đoàn thể sinh hoạt, tư vấn cá nhân. Bên cạnh đó, hàng năm xã triển khai từ 2 - 3 đợt chiến dịch SKSS, KHHGĐ theo Đề án 52. Nhờ đó, nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ đến nay đã được nâng lên. Năm 2013, tỷ suất sinh xã Cam Lập giảm xuống còn 14,2 ‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 10,14%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 77,2%... cao hơn mức trung bình chung toàn tỉnh.
Năm 2014, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) sẽ ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các địa bàn vùng biển khó khăn… |
Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lập, người dân trên địa bàn xã sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, mặt bằng dân trí còn thấp, tư tưởng sinh nhiều con, nhất là phải có con trai để tham gia lao động nghề biển vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. “Vì thế, năm nay tỉnh chọn Cam Lập để tổ chức phát động chiến dịch truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Đây là cơ hội để xã tăng cường truyền thông cho người dân vùng biển về giảm sinh cũng như thực hiện chăm sóc SKSS, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em” - bà Mỹ nói.
Ưu tiên địa bàn khó khăn
Năm nay, trong 46 xã, phường, thị trấn thuộc vùng biển đảo, Đề án 52 ưu tiên truyền thông và cung cấp dịch vụ tại các địa bàn vùng biển khó tiếp cận với người dân như xã đảo, bán đảo, xã ven biển có cửa sông, cửa biển. Các đội y tế - KHHGĐ, quân dân y sẽ đến các địa bàn khó khăn ít nhất 3 tháng/lần để thực hiện truyền thông, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho người dân, đặc biệt ưu tiên cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, lao động nghề biển, tiền hôn nhân, trẻ em, người cao tuổi.
Theo kế hoạch, Đề án 52 năm 2014 sẽ đảm bảo cung cấp thông tin về chăm sóc sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, SKSS, KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho hơn 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, tiền hôn nhân. Đồng thời thực hiện đạt ít nhất 60% chỉ tiêu năm 2014 về triệt sản, 75% về đặt dụng cụ tử cung, tiêm, cấy tránh thai; duy trì 90% số người hiện đang sử dụng bao cao su, viên uống tránh thai. Ngoài ra, đặc biệt mở rộng đối tượng được tư vấn và sử dụng bao cao su; khám và xét nghiệm cho các trường hợp cần xác định bệnh; hỗ trợ chuyển tuyến điều trị cho đối tượng bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, Đề án còn tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển như: Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai; hỗ trợ khi sinh và sau sinh phòng ngừa các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng bào thai; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn. Đồng thời, cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ kiểm tra sức khỏe, các yếu tố có nguy cơ cao về sinh con dị tật.
Được biết, để Đề án 52 triển khai đúng tiến độ đề ra, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương trong tỉnh, đặc biệt chỉ đạo các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố chủ động hướng dẫn cấp xã phối hợp thực hiện các chương trình truyền thông, cung cấp dịch vụ sao cho phù hợp với đặc thù mỗi địa phương.
MINH THIẾT