07:05, 30/05/2014

Đa dạng hóa dịch vụ công tác xã hội

Thành lập tháng 6-2012, đến nay, Phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa đã trở thành điểm kết nối đoàn tụ cho hàng chục trường hợp thất lạc nhiều năm.

Thành lập tháng 6-2012, đến nay, Phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Khánh Hòa đã trở thành điểm kết nối đoàn tụ cho hàng chục trường hợp thất lạc nhiều năm. Phòng còn cung cấp các dịch vụ về y tế, dinh dưỡng, tư vấn và kết nối với địa phương, gia đình, chuyển đối tượng BTXH về nơi cư trú quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng...


Kết nối đoàn tụ


Sau 29 năm được Trung tâm BTXH tỉnh tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng, vừa qua, bà Phan Thị Bình (80 tuổi) đã được Phòng Cung cấp dịch vụ CTXH kết nối với gia đình ở tỉnh Quảng Nam. Ngày đoàn tụ, bà và các con vui mừng khôn xiết. Anh Nguyễn Văn Hùng - con trai cả của bà nói: “Chúng tôi thất lạc mẹ năm 1990. Từ đó đến nay, chúng tôi đã liên hệ nhiều nơi để tìm mẹ nhưng đều không có tin tức gì. Thật may mắn, mẹ tôi đã được Trung tâm BTXH tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo”.


Một trường hợp khác là em Nguyễn Thành Anh (sinh năm 2001, quê quán ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Cha mẹ mất, em bỏ nhà đi lang thang xin ăn qua nhiều tỉnh thành. Năm 2010, người dân huyện Diên Khánh thấy em thường xuyên xin ăn ở địa phương nên đã đưa em vào Trung tâm BTXH tỉnh chăm sóc, nuôi dạy. Sau một thời gian tiếp cận với em, các nhân viên Phòng Cung cấp dịch vụ CTXH xác định được quê em ở Nghệ An. Đồng thời, qua mô tả của em, các nhân viên đã gọi điện thoại đến từng xã, phường, thị trấn của tỉnh Nghệ An để tìm người thân, kết quả đã tìm được ông nội của em đang cư trú tại số 35, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Ông đã vào đón em về nuôi dưỡng.

 

  Phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã kết nối ông Zaw Linn Than đoàn tụ với gia đình.
Phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã kết nối ông Zaw Linn Than đoàn tụ với gia đình.


Đặc biệt, mới đây, Phòng đã kết nối đoàn tụ trường hợp ông Zaw Linn Than (sinh năm 1955, quốc tịch Myanmar). Ông Than được Trung tâm BTXH tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng vào năm 2013 trong tình trạng bị bệnh tai biến, sa sút trí tuệ. Trong quá trình nuôi dưỡng ở Trung tâm, ngoài được chu cấp tiền ăn, uống, trang phục cá nhân khoảng 1 triệu đồng/tháng, ông Than còn được điều trị bệnh và cấp thuốc hàng ngày. Nhờ đó, sức khỏe, trí nhớ của ông Than dần hồi phục. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cung cấp dịch vụ CTXH đã liên hệ với các cơ quan chức năng kết nối với gia đình của ông Than đón ông về nhà…


Đa dạng dịch vụ công tác xã hội


Ông Trần Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh nhấn mạnh: “Nhằm giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, chúng tôi đã phân công cán bộ, viên chức trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng: 058.3540767 hoặc 01223985456. Đồng thời tiếp đón những cá nhân, gia đình có khó khăn trong cuộc sống để tư vấn, tham vấn, hỗ trợ nối kết các dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết giúp cá nhân và gia đình vượt qua khó khăn…”.


Nhiệm vụ của Phòng Cung cấp dịch vụ CTXH là triển khai cung cấp dịch vụ CTXH cho cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội. Cụ thể như: Cung cấp dịch vụ CTXH trong lĩnh vực BTXH cho người già, người khuyết tật; người dễ bị tổn thương; tổ chức đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ; cung cấp dịch vụ CTXH trợ giúp gia đình và tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới; kỹ năng chăm sóc và giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong gia đình. Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong CTXH, phòng, chống ngăn ngừa tệ nạn xã hội, xây dựng các dự án cộng đồng, nghiên cứu các vấn đề và nhu cầu phát triển của xã hội; kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đồng thời hỗ trợ nghiệp vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật…


Ngoài ra, Phòng còn thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tâm thần như: Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình giải quyết các vấn đề xã hội, tâm lý, tình cảm hoặc những căng thẳng phát sinh từ bệnh tật, thương tích; tham gia các chương trình sức khỏe cộng đồng; thực hiện kỹ năng, nghiệp vụ, quy trình phối hợp giải quyết, hỗ trợ cho cá nhân và gia đình đối tượng. Bên cạnh đó, Phòng cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên, phối hợp và tác động tới hoạt động của trường học, gia đình và cộng đồng nhằm đạt được mục tiêu học tập. Ngoài ra, làm việc với cá nhân, nhóm hoặc tham vấn, tư vấn, trị liệu; tham gia đẩy mạnh các chương trình phát triển cộng đồng, chế độ, chính sách và thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt, Phòng còn tiếp nhận và nuôi dưỡng ngắn hạn các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp như: Trẻ bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị cưỡng bức lao động…


V.G