Các công trình nước sinh hoạt theo Chương trình 134 phần lớn đã xuống cấp, hư hỏng, khiến tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước từ các công trình này giảm sút.
Các công trình nước sinh hoạt theo Chương trình 134 phần lớn đã xuống cấp, hư hỏng, khiến tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước từ các công trình này giảm sút.
Không đáp ứng đủ nhu cầu
Xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có 1 hệ thống nước tự chảy được làm từ trước năm 1975, có 33 giếng đào, 134 bể chứa nước phân tán. Hệ thống nước tự chảy chất lượng kém, mùa khô thiếu nước, mùa mưa bùn và rác thải nhiều; các giếng đào thường bị cạn vào mùa khô; bể nước phân tán thì lượng nước phụ thuộc vào trời mưa. Các công trình trên đã không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của 1.277 hộ dân trong xã, nhất là vào mùa khô. Theo ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do hệ thống nước tự chảy được đầu tư xây dựng từ khá lâu, không có bể lọc, đường ống đã quá cũ, bể chứa nước đầu nguồn nhỏ, nguồn nước bị ô nhiễm vào mùa mưa. Bên cạnh đó, nhiều giếng được đào vào mùa mưa nên khi đến mùa khô không đủ độ sâu để tích nước; các bể nước phân tán việc tích nước phụ thuộc vào thời tiết.
Ở xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm), tình hình khả quan hơn khi có 1 công trình nước sinh hoạt tự chảy được đầu tư xây dựng năm 2004. Đến năm 2009, huyện Cam Lâm tiếp tục đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tự chảy thôn Va Ly - Suối Cốc. Năm 2013, công trình nước tự chảy ở xã Sơn Tân tiếp tục được đầu tư gần 1,2 tỷ đồng để bắc đường ống dẫn nước và nạo vét bồi lắng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND xã Sơn Tân, hiệu quả sử dụng nước sinh hoạt từ những công trình này chưa cao, chưa phát huy được tác dụng như mong đợi. Chất lượng nguồn nước chưa đạt yêu cầu; lưu lượng nước phụ thuộc vào lượng nước đầu nguồn. Hiện vẫn còn một số hộ ở xa hoặc ở trên cao, áp lực nước không đủ mạnh để đưa tới từng nhà.
Người dân xã Sơn Tân sử dụng nước sinh hoạt từ Chương trình 134 |
Huyện Khánh Vĩnh hiện có 4 hệ thống nước sinh hoạt ở thôn Suối Biêm (xã Khánh Hiệp), thôn A Xây, thôn Hòn Dù (xã Khánh Nam), xã Cầu Bà đang hoạt động bình thường do mới được đầu tư sửa chữa, nhưng hiệu quả sử dụng chỉ đạt 50 đến 70%. Có 2 hệ thống nước sinh hoạt hiệu quả sử dụng thấp (dưới 40%) ở xã Khánh Hiệp. Và có 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt không hoạt động là hệ thống nước Ho Cho, Suối Lau (xã Khánh Phú). Huyện Khánh Sơn có 9 công trình nước sinh hoạt tập trung, nhưng chỉ có 3 công trình đạt hiệu quả sử dụng từ 50 đến 70%, 6 công trình còn lại hiệu quả sử dụng thấp.
Tìm giải pháp
Qua kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, từ năm 2005 đến 2011, tổng kinh phí được đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt theo Chương trình 134 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hơn 23 tỷ đồng với 51 công trình. Theo ông Nguyễn Lạc - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, phần lớn các công trình này đã xuống cấp. Nhiều công trình hư hỏng toàn bộ, không còn khả năng cấp nước. Một số công trình thiếu nguồn nước cấp, nước bị ô nhiễm từ đầu nguồn. Nhiều giếng đào bị nhiễm phèn, chất lượng nước kém, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt giảm đáng kể so với các năm trước.
Hiện trạng công trình xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, ngoài những nguyên nhân khách quan phải kể tới nguyên nhân chủ quan. Công tác vận hành của hệ thống cấp nước chưa được chú trọng, cán bộ quản lý chủ yếu là kiêm nhiệm, không được tập huấn, bồi dưỡng về cách quản lý, vận hành hệ thống nước nên chưa có phương án xử lý thích hợp khi phát sinh sự cố. Các hệ thống cấp nước sinh hoạt sau khi bàn giao cho địa phương hầu hết chưa có các biện pháp bảo vệ công trình, dẫn đến tình trạng hư hỏng, mất cắp. Ý thức của người dân trong quá trình thụ hưởng lợi ích từ các công trình cấp nước sinh hoạt chưa cao. Hầu hết các xã đều không bố trí được nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí của cấp trên vẫn chưa được khắc phục.
Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời góp phần phát huy hiệu quả của các công trình nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Lạc đề nghị: “Tỉnh cần có chính sách quy định thu một phần phí nước sinh hoạt của hộ đồng bào dân tộc thiểu số để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc duy tu, sửa chữa nhỏ và chi phí cho công tác quản lý. Đồng thời mở lớp đào tạo ngắn ngày về chuyên môn quản lý, vận hành hệ thống cấp nước cho cán bộ quản lý xã, thôn; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư khắc phục, nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có”. Ngoài ra, ở cấp huyện cần xem xét ban hành quyết định về quy chế quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt ở địa phương. Hàng năm, cần cân đối kinh phí hỗ trợ cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, các xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, thành lập các tổ tự quản để quản lý, sử dụng nước có hiệu quả.
Nhân Tâm