03:05, 08/05/2014

Cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp: Cần gắn kết đào tạo nghề

Hiện nay, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu này, rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề  và doanh nghiệp.

Hiện nay, chất lượng đào tạo nghề (ĐTN) trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động (LĐ). Do đó, để đáp ứng được nhu cầu này, rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề (CSDN) và DN.


Những bất cập


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 5.800 DN đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các DN này đã góp phần tạo việc làm cho hơn 160.000 LĐ, tuy nhiên chỉ có hơn 90.000 LĐ đã qua ĐTN. Từ đó cho thấy, số lượng LĐ qua ĐTN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chất lượng LĐ chưa cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 52 CSDN. Tuy nhiên, các đơn vị này mới chỉ đáp ứng một phần về chất lượng đào tạo trước yêu cầu ngày càng cao của DN và thị trường LĐ. Người qua ĐTN còn hạn chế về kỹ năng thực hành, các kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp... nên sau khi tuyển dụng LĐ, nhiều DN phải tổ chức đào tạo lại tay nghề trước khi bố trí việc làm.


Theo ông Võ Đình Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, hàng năm, nhu cầu tuyển dụng LĐ của đơn vị rất lớn, nhưng đa số LĐ đã qua đào tạo đều phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Trước thực trạng ĐTN chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, năm 2012, Công ty đã xin cấp phép thành lập CSDN để tự đào tạo LĐ cho đơn vị. Đến nay, DN đã đào tạo được hơn 700 LĐ lành nghề (trong đó có hơn 500 LĐ nông thôn). 100% LĐ sau đào tạo được nhận vào làm việc tại Công ty. Ông Phan Danh Dũng - Phó Giám đốc Khách sạn Viễn Đông cho hay, phần lớn người LĐ sau khi tốt nghiệp trường nghề còn rất yếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ kém, không tự tin khi tiếp cận với khách hàng. Ngoài ra, tác phong, thái độ làm việc còn thiếu nghiêm túc, tính kỷ luật chưa cao...

 

 Để nâng cao tay nghề cho người học, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa trường nghề và doanh nghiệp.
Để nâng cao tay nghề cho người học, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa trường nghề và doanh nghiệp.


Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các CSDN vẫn chưa thực sự phù hợp với cơ cấu ngành nghề của thị trường LĐ, chưa bổ sung những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Mối quan hệ giữa trường nghề và DN chưa chặt chẽ cả về trách nhiệm lẫn quyền lợi. Trên thực tế, các CSDN chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” mà chưa chú trọng đào tạo theo “cầu” của DN. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề còn hạn chế; nội dung chương trình và giáo trình giảng dạy nghề chưa có sự tham gia của DN, thiếu phù hợp với sự thay đổi công nghệ sản xuất của DN; trang thiết bị dạy học thực hành tại các CSDN còn khá lạc hậu so với máy móc của DN. Một số DN còn e dè, sợ bị tiết lộ thông tin sản xuất, kinh doanh ra ngoài nên không muốn tiếp nhận và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực tập, nghiên cứu...


Cần gắn kết chặt chẽ


Ông Mai Xuân Trí cho rằng, để bảo đảm đầu ra cho học sinh, sinh viên trường nghề, chính quyền, CSDN và DN cần có sự gắn kết chặt chẽ trong đào tạo. Trong đó, CSDN cần chủ động liên hệ với DN để ký kết các hợp đồng tuyển sinh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực do mình đào tạo. Về phía DN, cần cử đại diện theo dõi, tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của học viên. Bên cạnh đó, để đào tạo LĐ theo đúng yêu cầu vị trí công việc ở DN, cần có sự tham gia hướng dẫn thực hành của các cán bộ, kỹ sư, chuyên gia phụ trách sản xuất của DN. Họ sẽ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mình cho người học. Qua đó, nhà trường cũng tiếp cận được công nghệ mới để điều chỉnh, sửa đổi chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN. Đặc biệt, các CSDN cần chú trọng đào tạo LĐ chất lượng hơn là đào tạo theo số lượng; năng động hơn trong việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng ngành nghề của các DN để liên kết đào tạo LĐ chuyên sâu. Có như vậy mới dần xóa bỏ được khoảng cách giữa học và hành nghề, tạo sự tin cậy cho các nhà tuyển dụng khi đến với CSDN.

 

Dạy nghề may tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.
Dạy nghề may tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.


Ông Mạc Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh cho biết, phía các DN nên hợp tác, liên kết với CSDN để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề, nâng bậc thợ cho LĐ của đơn vị mình; tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy thực hành và đánh giá kết quả học tập của học viên; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên thực tập, nghiên cứu tại DN. Mặt khác, DN nên chủ động đưa ra những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực sát với chiến lược phát triển của đơn vị mình cho CSDN. Đối với đơn vị quản lý nhà nước về dạy nghề, hàng năm cần triển khai điều tra cung - cầu LĐ, để từ đó xác định nguồn nhân lực theo cơ cấu nghề, trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường LĐ; đánh giá lại năng lực đào tạo của các CSDN để chọn những đơn vị có đủ điều kiện tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển mạnh dạy nghề từ hướng “cung” sang “cầu” của thị trường LĐ; bổ sung cơ chế chính sách để huy động các DN cùng tham gia ĐTN và phát triển CSDN tại DN.


Có thể nói, nếu DN kết hợp chặt chẽ với CSDN và cùng tham gia quá trình ĐTN sẽ rất tốt cho đôi bên. Trường nghề có thể nắm bắt thực tế công nghệ sản xuất mới của DN; còn DN giúp tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của CSDN trong quá trình đào tạo để giúp điều chỉnh hoạt động đào tạo, giảm thời gian và tiết kiệm được chi phí cho cả đôi bên...


VĂN GIANG